Dân Việt

Mua hàng Tết bà nội trợ đừng ham rẻ, ham nhiều mà mang vạ

Tuấn Kiệt 13/02/2018 13:45 GMT+7
Dù hàng hóa được bán đến 30 Tết, mùng 2 Tết đã bán lại nhưng các bà nội trợ vẫn giữ thói quen tích trữ hàng hóa, khiến tủ lạnh “căng nứt”. Theo các chuyên gia y tế, điều này vô cùng nguy hiểm.

Bà Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) thường mua sắm Tết từ 20-21 tháng Chạp. Bà cho biết, sau ông Công ông Táo là giá cả thường tăng vọt, thịt gà, thịt lợn đều tăng 15-20%, thậm chí tăng gấp rưỡi. Vì thế, bà cứ đi chợ sớm cho rẻ, mua được hàng tươi ngon.

img

Các bà nội trợ thường có tâm lý mua nhiều thực phẩm tích trữ trong dịp Tết (Ảnh minh họa IT)

Hơn nữa, nhà bà có 5 con, dâu rể, cháu chắt cộng lại cũng gần 20 người nên bà luôn dự tính Tết các con cháu về sum họp sẽ ăn uống linh đình, tốn nhiều đồ ăn thức uống. Vì thế, năm nào tủ lạnh 300 lít của nhà bà cũng chật ứ thịt cá, gà, giò, hoa quả, rau củ, bánh trái.

Trước bà thường tự gói bánh chưng nhưng mấy năm nay bà thường đặt, Tết nào cũng 10-15 chiếc, thêm 5-7 cái bánh tét. Giò 6-7 cái, đủ giò nạc, giò mỡ, giò bò, giò tai, giò me, thậm chí thêm cả giò ngựa. Gà cũng 4-5 con, ngoài cúng 30, giao thừa, mùng 1, bà còn dự tính cho cúng hóa vàng.

Nhưng bây giờ con cháu chỉ mải chơi Tết, cuộc sống sung túc nên cũng không ai hiếm lạ thịt cá, bánh chưng, giò gà. Vì thế, mấy năm nay, bà thường “ăn Tết” đến ngoài rằm vẫn không hết đồ trong tủ lạnh. Bánh chưng mốc xanh đỏ, giò chảy nước đành bỏ đi. Tưởng mua hàng sớm, tích hàng nhiều để tránh hàng Tết tăng giá, tiết kiệm tiền lại đâm ra lãng phí. Tuy đã tâm tâm niệm niệm không mua nhiều nhưng cứ đến Tết bà Hồng lại “lỡ tay”, tích trữ hàng hóa.

“Tết năm ngoái tôi ế đến 6 cái bánh chưng, trời nóng ẩm nên mùng 4 bánh đã bị mốc xanh nhưng tôi tiếc của nên gọt chỗ mốc rồi rán ăn, cứ tưởng thế đã diệt hết vi trùng. Nào ngờ tôi và ông chồng bị ngộ độc thực phẩm, phải đi cấp cứu, suýt chết. Tết này tôi cạch rồi, chỉ mua 2 con gà, hai cái giò, bánh chưng chỉ 4 cái” – bà Hồng cho biết.

TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận định, việc tích trữ đồ ăn ngày Tết, biến tủ lạnh thành tủ lưu trữ lâu ngày, nhiều thực phẩm để lẫn lộn với nhau khiến thực phẩm nhanh chóng bị ôi thiu, vi khuẩn phát triển. Đây chính là “ổ bệnh” gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

TS Phong phân tích, các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Đặc biệt là các loại hạt có dầu thường dùng nhiều trong dịp này như hướng dương, hạt đậu tương, đậu phộng, lạc... rất dễ nấm, mốc. Còn ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao, cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm như thịt, cá, cua, tôm... rất dễ ôi thiu.

“Người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong mấy ngày Tết. Hiện nay, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn sẵn có, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng” – TS Phong khuyến cáo.

Ngoài việc khuyến cáo người dân không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm, để lưu cữu lâu ngày, chuyên gia dinh dưỡng còn cho rằng không nên để thực phẩm lẫn lộn trong tủ lạnh, khiến các loại rau củ, thịt, đồ sống chín. Điều này khiến thực phẩm bị giảm chất lượng, dễ bị hỏng. Nếu cần lưu trữ, người dân nên cho thực phẩm vào các túi nilon, hộp có thể đóng kín. Thường xuyên kiểm tra xem thực phẩm có bị úa héo, hỏng không để bỏ đi.

Thực phẩm đã chế biến nên đậy trong các hộp kín và không nên để quá 2-3 ngày, không nên đun đi đun lại một món ăn vì có thể làm thức ăn biến chất, giảm dinh dưỡng.

Bánh chưng hay các loại hạt bị mốc cần bỏ đi ngay vì nấm mốc có độc tố aflatoxin có thể tích lũy làm tăng khả năng bị ung thư.  

Các bà nội trợ đừng ham rẻ, sợ đắt mà ôm đồm nhiều thực phẩm rồi lại phải đổ đi hoặc không nên “tiếc con gà quạ tha” mà cố ăn thực phẩm lưu cữu, dễ rước bệnh vào thân. Nếu phải đi viện cấp cứu thì tốn kém gấp trăm lần số thực phẩm đổ đi mà còn nguy hiểm đến tính mạng.