Dân Việt

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM sẽ phát triển vì cả nước

Hồ Văn 13/02/2018 09:31 GMT+7
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với cơ chế đặc thù được thông qua, TP.HCM sẽ tận dụng mọi điều kiện tối ưu để phát triển bền vững, không chỉ vì thành phố mà còn vì cả nước.

Nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi với báo chí TP.HCM và một số cơ quan báo chí Trung ương tại TP về những thành tựu kinh tế, quốc phòng, an ninh năm 2017 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2018.

img

 Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trả lời báo chí nhân dịp Xuân đang về. Ảnh: Hồ Văn

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 2017 là năm TP.HCM đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp chung vào thành tựu của cả nước. TP tiếp tục là đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Năm 2016 tăng trưởng đạt 8,05%, nhưng đến năm 2017 tăng trưởng 8,25%. Điều đó góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của TP với cả nước (vẫn giữ vững gần 22%). Thu ngân sách đóng góp bình quân 27 - 28% ngân sách cả nước.

"Năm 2017, chỉ tiêu trung ương giao khá nặng, hơn 347.000 tỷ đồng, tức là bình quân mỗi ngày không kể Chủ nhật, cả TP.HCM có trách nhiệm đóng góp ngân sách chung cả nước 1.000 tỷ đồng. Kết thúc năm, chúng ta đã đạt và vượt chỉ tiêu này, điều này rất có ý nghĩa cho phát triển cả nước và của TP", Bí thư Nhân nói.

Ngoài đóng góp ngân sách, năm 2017 TP.HCM còn làm được gì, thưa Bí thư?

- Thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2017 của TP.HCM đạt 6,3 tỷ USD, tăng hơn 85% so với năm 2016, một kết quả đáng khích lệ. Nhờ đó, tổng đầu tư nước ngoài của TP năm 2017 chiếm 18%, tăng 5% so với năm trước. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hoá, xã hội tiếp tục được giữ vững và nâng cao chất lượng. Trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững…

Đáng chú ý là năm vừa qua TP.HCM đã công bố đề án đô thị thông minh. Đề án đô thị thông minh thay đổi cách làm chứ không thêm tiền. Bằng đề án này TP có nhiều khả năng quản lý tốt hơn, nâng cao tính dự báo…

Liên quan đến thể chế, trong năm 2017, Thành ủy đã ban hành quyết định về xử lý thông tin do nhân dân phản ánh. Lần đầu tiên chúng ta có một quy định về việc tiếp thu, xử lý ý kiến người dân. Năm 2017, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, quốc phòng, an ninh thì chúng ta có các nội dung hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của TP mà chúng tôi đánh giá là rất có ý nghĩa.

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thăm Khu công nghệ cao và chỉ đạo TP nhanh chóng xây dựng khu đô thị thông minh phía đông. Ảnh: Hồ Văn

Từ những kết quả đạt được trong năm 2017, theo ông, trọng tâm năm 2018 TP.HCM sẽ tập trung những nhiệm vụ, giải pháp nào?

- Năm 2018 là năm bản lề đối với TP.HCM và cả nước, là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP, đặc biệt là năm Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (được Quốc hội thông qua ngày 24.11.2017). Song song với việc rà soát đánh giá tiến độ thực hiện 7 chương trình đột phá của TP, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới, TP sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ mới: Nghị quyết 54 của Quốc hội; xây dựng đô thị thông minh; đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo. Chúng ta sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo TP.HCM tích hợp các quận 2, 9 và quận Thủ Đức.

Như vậy, có thể thấy bên cạnh 7 chương trình đột phá của TP, từ 2018 trở đi sẽ có thêm 3 chương trình lớn nữa mà TP phải quyết liệt tập trung thực hiện. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Như vậy, TP.HCM sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54, thưa ông?

- Nghị quyết 54 của Quốc hội nhằm thực hiện Kết luận 21 của Bộ Chính trị ngày 24.10.2017 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16 ngày 10.8.2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020. Sau khi Quốc hội thông qua, trong vòng hơn 1 tháng, TP.HCM đã thông qua toàn bộ các văn bản cần thiết để triển khai Nghị quyết. Thành ủy có Nghị quyết 08, trên cơ sở đó, HĐND TP đã có Nghị quyết 25 triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó xác định những việc phải làm và lộ trình thời gian sắp tới. UBND đã công bố kế hoạch xác định 21 đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 54.

Trong năm 2018, TP.HCM sẽ chuẩn bị thông qua một số nhóm giải pháp quan trọng. Trước hết, về vấn đề thực hiện uỷ quyền và phân cấp, việc này không tốn tiền, phải làm sớm, dự kiến trong tháng 3 này có thể trình HĐND TP xem xét, thông qua. Thứ hai, tháng 4 thông qua đề án quản lý doanh nghiệp nhà nước. Tiếp đó, sắp xếp tên gọi một số đơn vị thuộc đơn vị nhà nước. Tháng 5 trình đề án điều chỉnh tên gọi các tổ chức trực thuộc sở ngành của TP.

Một vấn đề mà lãnh đạo và người dân TP quan tâm là sắp xếp lại Ban quản lý của TP và quận huyện, thu hẹp một số ban và điều chỉnh tên phù hợp. Liên quan đến tài chính, Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép trên cơ sở tăng năng suất, hiệu quả của TP và tiết kiệm thì có thể tăng thu nhập cho cán bộ công chức. Vấn đề này TP sẽ thực hiện trong thời gian sớm. TP cũng sẽ điều chỉnh bổ sung một số lệ phí (như phí bảo vệ môi trường, nước thải công nghiệp...). Ngoài ra, Quốc hội cho phép thành phố huy động vay xã hội, phát hành trái phiếu địa phương. Dự kiến tháng 9 năm nay sẽ đề xuất vay bổ sung qua phát hành trái phiếu tạo động lực cho phát triển.

Tôi tin rằng TP.HCM sẽ thấy được trách nhiệm trước Quốc hội và cả nước để phát huy cơ chế đặc thù, để TP phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và qua đó đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

TP.HCM đang thu hút các nhà đầu tư để cải tạo nhà ven và trên kênh rạch, vậy TP sẽ vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù như thế nào để các nhà đầu tư tham gia vào việc này?

- Trong nhiều cái đổi mới của TP trong năm 2017 có đổi mới cơ chế phát huy nguồn lực xã hội để phát triển TP. Ngoài vấn đề xử lý rác đã tổ chức hội nghị và tháng 6 tới tổ chức đấu thầu thì còn vấn đề lớn nữa là 20.000 hộ dân sống ven kênh rạch. Nếu dùng tiền Nhà nước để giải quyết vấn đề này thì rất lớn và điều đó không khả thi. Trong các dự án cải tạo nhà ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị thì TP chọn ra 6 dự án, trong đó có dự án rạch Xuyên Tâm rất lớn. Nguyên tắc thực hiện là người dân ở trên và ven kênh rạch sẽ được tái định cư ở gần đó chứ không đi xa. Họ sẽ không chiếm đất chỗ khác để ở mà nhà đầu tư sẽ xây dựng những chung cư bên bờ kênh rạch để họ ở đó. Phương châm là tái đầu tư tại chỗ.

img

20.000 căn nhà ven kênh rạch sẽ được di dời trong dự án chỉnh trang đô thị. Ảnh: Hồ Văn

Cùng với đó, hai phần đất liền bờ sông sẽ làm đường đi, như vậy sẽ góp phần giảm ách tắc giao thông. Tùy loại kênh rạch, đặc điểm từng vị trí sẽ thoả thuận với nhà đầu tư phần đất mà họ được kinh doanh khai thác dọc bờ sông. Tinh thần là giao cho họ quyền khai thác hai bên bờ ở mức phù hợp chứ Nhà nước không đưa tiền vào. Chính nguyên tắc này nhà đầu tư nêu ra cho TP, còn tùy vào giá cụ thể thì TP sẽ tính toán. Nếu có hỗ trợ thì cũng rất ít thôi. Sắp tới TP sẽ cố gắng làm một vài dự án trước để rút kinh nghiệm, sau đó sẽ triển khai rộng ra.

Nhân dịp Xuân mới Mậu Tuất 2018, ông có gửi gắm điều gì tới đồng bào, đồng chí TP.HCM?

- Năm 2018 với đồng bào cả nước và đặc biệt với TP.HCM là kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý chí tiến công, sự hy sinh dũng cảm, xả thân vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì hòa bình cho mọi người dân Việt Nam của lực lượng vũ trang, của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định, của các má, các anh chị, các em vùng ven, cũng như vùng nội đô vẫn sống mãi trong trái tim và khối óc của người Việt Nam. Vì vậy, bước vào năm 2018 chính là năm với khí thế của Mậu Thân, là tình cảm, là trách nhiệm với những người đã hy sinh để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.

img

Hào khí Mậu Thân 1968 được tái hiện trong lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Mậu Thân tại TP.HCM. Ảnh: Hồ Văn

Sau 42 năm độc lập tự do, thống nhất, thì năm 2018 là năm thể hiện Việt Nam từ đất nước hoang tàn đổ nát đã trở thành một quốc gia phát triển, đất nước hòa bình, ổn định chính trị, là đối tác tin cậy có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế cũng như trong khối ASEAN. Trong sự vươn lên đó của đất nước, TP.HCM với truyền thống đoàn kết, kiên cường, sáng tạo, nghĩa tình có đóng góp không nhỏ.

Nếu chúng ta quan sát trong sự phát triển thế giới hai, ba năm gần đây thì thấy thế giới đang có sự chuyển biến về chính trị cũng như kinh tế. Thời cơ mới đi kèm với thách thức mới. Để Việt Nam cất cánh cao hơn, nhanh hơn, để TP.HCM tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước thì mỗi đảng viên, công chức, người lao động TP, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang của TP mang tên Bác Hồ kính yêu cần đoàn kết hơn, kiên cường hơn, sáng tạo hơn, nghĩa tình hơn.

Xin cảm ơn ông!