Yonhap đưa tin, trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào trưa ngày 10/2, bà Kim Yo-jong, em gái của ông Kim Jong-un, đã chuyển lời của nhà lãnh đạo trẻ mời người đầu Nhà Xanh tới thăm Triều Tiên vào một ngày sớm nhất.
"Khi chuyển lá thư của ông Kim Jong-un, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề nhà nước, với nội dung sẵn sàng cải thiện quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên, đặc phái viên Kim Yo-jong đã chuyển lời của Chủ tịch Kim Jong-un tới Tổng thống Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp bà Kim Yo-jong, đặc phái viên của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
Đó là lời mời ông Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng vào thời điểm thích hợp và ông Kim Jong-un sẵn sàng gặp ông Moon Jae-in vào thời điểm sớm nhất", phát ngôn viên phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom tuyên bố tại buổi họp báo ngay sau cuộc gặp gỡ.
Người phát ngôn Nhà Xanh cho biết, khi nhận lời mời, Tổng thống Hàn Quốc nói rằng : "Chúng ta hãy để nó diễn ra bằng việc tạo những điều kiện cần thiết cho tương lai" và các cuộc đối thoại Mỹ - Triều chính là điều kiện cần thiết nhất.
“Việc nối lại các cuộc đối thoại càng sớm giữa Mỹ và Triều Tiên là cần thiết để tiến hành một Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều và thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ Hàn - Triều”, Yonhap tường thuật.
Nhiều luồng dư luận đã tỏ vẻ thất vọng khi Seoul dường như vẫn không dám chấp nhận mạo hiểm trong quan hệ với Washington, để đảm bảo nền độc lập cho Hàn Quốc và cả dân tộc Triều Tiên, dù Bìnnh Nhưỡng đã mở lối.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, bản chất sự việc không hẳn như vậy, mà việc Tổng thống Moon Jae-in nhắc nhở Bình Nhưỡng về việc đối thoại với Washington để tạo đột phá cho quan hệ liên Triều, là một cách đối đáp không thể chuẩn xác hơn.
Có thể thấy rằng đây là một màn tuyệt vời tung hứng của người Triều Tiên trong bối cảnh cả Bắc Hàn và Nam Hàn đều bị rào cản lợi ích của ngoải giao nước lớn bao quanh. Người Triều Tiên đã phá rào một cách ngoạn mục, đảm bảo lợi ích dân tộc.
Thứ nhất, Seoul và Bình Nhưỡng đã phối kết hợp nhuần nhuyễn qua màn "mời và điều kiện nhận lời mời" để ép Washington phải chấp nhận đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng trong thế bị động.
Từ khi tiếp nhận quyền lực, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un được cho là đã xây dựng Chiến lược “xa Trung, gần Mỹ”, bởi hậu quả quá lớn từ chính sách độc quyền lãnh thổ mà Trung Nam Hải áp dụng cho xứ Bắc Hàn hơn 60 năm qua.
Quan hệ Trung –Triều lạnh nhạt, Bình Nhưỡng có nhiều hành động lệch pha, thậm chí có phần xem nhẹ ảnh hưởng của Bắc Kinh, chẳng hạn phóng tên lửa trùng với những sự kiện chính trị mà Trung Quốc tổ chức, như G-20 Hàng Châu 2017.
Tổng thống Moon Jae-in đã buộc chính quyền Tổng thống Trump phải đối thoại với Triều Tiên
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng còn luôn từ chối các cơ chế đối thoại tế đa phương - cụ thể là cơ chế đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên - mà luôn đòi hỏi đối thoại trực tiếp với Washington và không qua một kênh trung gian nào cả.
Đáp lại, cho đến nay, giữa Washington và Bình Nhưỡng mới chỉ diễn ra việc tiếp xúc không chính thức ở Na Uy tháng 5/2017 - được xem là kênh ngoại giao 1,5 - khiến cho những ước vọng của Kim Jong-un chưa đạt được gì đáng kể.
Khi nhà lãnh đạo Trẻ xứ Bắc Hàn gửi "Thông điệp bất ngờ" tới người dân và chính quyền xứ Nam Hàn thì ở Tây bán cầu đã có những chuyển động chính trị tích cực với Bình Nhưỡng, trong đó có việc Tổng thống Trump để xuất đối thoại Mỹ - Triều.
Tuy nhiên, những chuyển động chính trị ấy vẫn mang tính ngờ vực, bởi Mỹ vẫn thường nói không đi đôi với làm, mà thái độ của Phó Tổng thống Pence thể hiện trong chuyến thăm Đông Bắc Á và tham dự Thế vận hội mủa Đông 2018 đã cho thấy rõ điều đó.
Như vậy, để người Mỹ chấp nhận đối thoại trực tiếp và không thể nuốt lời thì phải có điều kiện triệt buộc. Chủ tịch Kim cùng với Tổng thống Moon đã làm được điều đó qua việc mời người đứng đầu Nhà Xanh thăm Bình Nhưỡng.
Khi Bình Nhưỡng gửi lời mới và Seoul nhận lời vô điều kiện thì bán đảo Triều Tiên không thể yên bình, bởi quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn có thể rạn nứt và Seoul không dễ khai thác được lợi ích từ thông điệp tích cực của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Moon Jae-in nêu điều kiện Triều Tiên phải chấp nhận đối thoại với Mỹ thì đó lại là màn tung hứng tuyệt vời của người Triều Tiên, mà qua đó đã đưa người Mỹ vào thế bí.
Bởi từ sau khi Tổng thống Moon nêu điều kiện để hiện thực hoá lời mời của Chủ tịch Kim, Tổng thống Trump không thể từ chối kích hoạt kênh ngoại giao chính thức Mỹ - Triều, nếu từ chối sẽ đưa Mỹ vào thế đối lập với cả dân tộc Triều Tiên.
Thứ hai, điều kiện của Seoul giúp Bình Nhưỡng không cần phải ký một Hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Washington, song Mỹ lại không thể thực hiện tấn công Triều Tiên trong mọi trường hợp.
Màn tung hứng Kim - Moon đã tạo ra lá chắn cho bán đảo Triều Tiên
Xin nhắc lại, từ năm 2003, khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuyên bố về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), các cơ chế đàm phán đa phương về hạt nhân đã được thiết lập.
Trong đó nổi bật nhất là cơ chế đàm phán 6 bên do Trung Quốc đề xuất cùng với sự tham gia của Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Triều Tiên và Nhật Bản. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán 6 bên không có nhiều tiến triển tích cực.
Nguyên nhân của vấn đề được nhìn nhận là do hoài nghi của Bình Nhưỡng về việc có thể bị Washington tấn công quân sự, nếu từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, vốn được xem như bảo bối của mình.
Vì vậy, khi bước vào giai đoạn 2, trong cuộc đàm phán diễn ra từ ngày 13.9 đến ngày 19.9.2005, Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ phải ký một Hiệp ước không tấn công lẫn nhau, để đảm bảo an ninh cho xứ Bắc Hàn.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ khẳng định là họ không có ý định tấn công hoặc xâm lược Triều Tiên và cam kết thực hiện nghiêm chỉnh điều đó, chứ Washington từ chối ký Hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Bình Nhưỡng.
Trong khi bán đảo Triều Tiên đã hơn 60 năm nằm trong tình trạng chiến tranh bởi Hiệp định đình chiến tạm thời, mà Mỹ là một trong những tác giả của bản hiệp định không bảo đảm hoà bình cho dân tộc Triều Tiên ấy.
Vì vậy, Bình Nhưỡng mất lòng tin và tiếp tục thực hiện chương trình phát triển vũ khí của mình. Trung Quốc, Nga luôn tìm kiếm những giải pháp chính trị, ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhưng không thể bảo đảm Mỹ không tấn công Triều Tiên.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho Chủ tịch Kim Jong-un phải dốc sức cho phát triển kỹ thuật tên lửa và hiện thực hoá tham vọng hạt nhân, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng.
Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 có thể được xem là kỳ Olympics thành công nhất của người Triều Tiên
Đối thủ không cam kết, đồng minh không bảo đảm, vậy bằng cách nào phá vòng vây mà vẫn đảm bảo an toàn nhất lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia? Đó là bài toán với Chủ tịch Kim Jong-un.
Dường như kích hoạt kết nối liên Triều đã được nhà lãnh đạo trẻ chọn là cách xây lá chắn bảo vệ chủ quyền tốt nhất, làm chệch hướng bay của đạn pháo hướng vào bán đảo Triều Tiên tốt nhất, mà không cần phải có hiệp ước hay cam kết đa phương.
Có thể thấy rằng, đoàn kết dân tộc luôn là cách bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc tốt nhất và Tổng thống Moon Jae-in đã thể hiện quan điểm ấy trong việc đón nhận lời mời có điều kiện với Chủ tịch Kim Jong-un.
Và Tổng thống Moon Jae-in đã ngay lập tực hành động theo quan điểm ấy, khi bác bỏ lời kêu gọi từ phía Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đề nghị nối lại các cuộc tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc.
“Tôi hiểu Thủ tướng Abe không muốn trì hoãn các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn vốn nằm trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên vấn đề này thuộc về chủ quyền, vì vậy không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của chúng tôi”.
Có thể nhận định, Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 là kỳ Olympics thành công nhất của người Triều Tiên, không phải thể hiện qua những tấm huy chương hay khả năng tổ chức, mà nằm ở việc khai thác hiệu ứng tích cực từ sự kiện này cho chủ quyền của Triều Tiên-Hàn Quốc và lợi ích của người dân trên bán đảo Triều Tiên.