Dân Việt

Thấp thỏm mùa Tết cuối cùng giữa lòng nghĩa trang

Nguyên Vỹ 14/02/2018 17:13 GMT+7
Lệnh giải tỏa đã cận kề vì vậy năm 2018 có thể là mùa xuân cuối cùng giữa lòng nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP.HCM) đối với người cả đời chọn nơi mồ mả này làm kế mưu sinh như bà Nghĩa.

Làm nghề vệ sinh mồ mả cho người cõi âm đón Tết đã gần 40 năm, bà Trần Thị Nghĩa (SN 1962) là một trong những người cuối cùng còn nấn ná ở lại nghĩa trang Tương Tế Thanh Hóa (thuộc khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân).

img

Vệ sinh mồ mả dịp cuối năm là kế sinh nhai của nhiều người sống cạnh nghĩa trang.

Bà Nghĩa và gia đình đã gắn bó với nghĩa trang này gần 40 năm. Và cũng đã gần 10 năm kể từ ngày nơi đây nhận công bố quy hoạch di dời để giải tỏa.

img

Khối lượng công việc đặc biệt trên đang giảm dần do lượng mộ di dời đi ngày càng nhiều.

Do chưa hoàn tất đền bù, nhiều người còn nấn ná để hài cốt người thân ở lại. Những người như bà Nghĩa cũng trông chờ vào dịp cuối năm để nhận vệ sinh, chăm sóc mộ phần kiếm thêm thu nhập.

img

Gia đình bà Nghĩa tá túc tạm bợ trong nhà quàn nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Năm nay, lệnh giải tỏa đã cận kề. Mộ phần chưa giải tỏa ngày càng vơi đi khiến nguồn thu nhập càng thêm eo hẹp. Một cái Tết thiếu trước hụt sau và nỗi lo không còn mái tranh tá túc vẫn ám ảnh những người làm công việc vệ sinh mộ từng ngày.

img

Căn nhà quàn cũ kỹ, xập xệ, ngày Tết không khác ngày thường.

img

Bà Nghĩa chuẩn bị sơn để trang trí lại mộ phần.

Chiều cuối năm, ngồi trên giường, bà Nghĩa uống vội liều thuốc cảm rồi lại đăm đăm dõi mắt ra trước cổng xem có người nào gọi mình làm thuê.

img

Bà Nghĩa cho biết, nghề này nhờ vào hảo tâm của chủ mộ chứ không thể làm giàu.

Tuổi cao sức yếu, không thể đi làm thuê, làm phụ hồ được nữa, bà chỉ còn trông chờ vào mấy ngôi mả cũ. Nhưng quanh khu vực nghĩa trang Sòng Sơn, Tương Tế Thanh Hóa, Sa Châu Đồng Hương, các ngôi mộ đã bốc dỡ gần hết.

img

Ngày trước còn nhiều việc, bà Nghĩa dành ít tiền thù lao chăm sóc cho các ngôi mộ vô chủ để làm phước. Nay việc ít đi, sức khỏe ngày càng yếu, việc công quả cũng đành gác lại.

Bà Nghĩa nói: "Mấy Tết trước, mỗi năm tôi nhận chăm sóc gần cả trăm mộ thì nay chỉ chừng 15 - 20. Cuộc sống ngày càng túng bấn, thiếu trước hụt sau".

img

Chủ mộ giao hết việc trông coi, vệ sinh mồ mả cho người chăm sóc. Có khi cả năm họ mới qua đây thăm một lần. Tất cả nguyên vật liệu như sơn, cọ… bà Nghĩa phải tự mua chịu, lấy trước trả sau.

Giữa năm 2017, khi chính quyền địa phương lại đốc thúc chuyện di dời giải tỏa, mấy người con bà Nghĩa phải ra ngoài thuê trọ. Phần bà cố nán lại trong ngôi nhà quàn cũ.

"Nhưng thuê được nhà trọ với gia đình tôi cũng là chuyện nan giải vì giá cả đắt đỏ. Bản thân tôi cố nấn ná xin tá túc lại ngôi nhà quàn xác này. Người ta còn cho ở nhờ đến lúc nào thì gắng gượng đến lúc đó", bà Nghĩa thoáng bần thần.

img

Phút ngừng tay, bà lại hướng ánh mắt xa xăm nhìn về khu nghĩa địa.

img

... nơi con cháu của bà sinh ra rồi lớn lên, chưa biết tương lai thế nào.

"Đến tháng 4.2018, khu vực xung quanh bị giải tỏa xong, dự án khu trung tâm thương mại sẽ khởi động chỉ mong chính quyền thương tình cho tôi ké tạm quán nước bán kiếm cơm qua ngày", bà Nghĩa kể.

Mùa xuân này, trong căn nhà quàn cũ kỹ, xập xệ, ngày Tết cũng không khác ngày thường, bà Nghĩa vẫn chưa thể hình dung năm tới gia đình bà sẽ trôi dạt về đâu.

Cuối năm 2017, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn 1 (khu 12ha) vẫn chưa thể hoàn tất do còn nhiều mộ không có người thân đến nhận. Lượng mộ vắng chủ còn nhiều nên việc thực hiện thủ tục bốc mộ vắng chủ sẽ dời lại đến tháng 4.2018. Trong thời gian này, UBND quận Bình Tân tiếp tục kêu gọi người dân liên hệ cơ quan chức năng để kê khai.