Video: Chỉ cần có nhau - Đức Tuấn, sáng tác Trần Lê Quỳnh.
Gây thương nhớ qua các bản tình ca Chân tình, Cô gái đến từ hôm qua, Tuyết rơi mùa hè..., nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh ở tuổi 40 thừa nhận, sau các bản hit, vì cuộc sống mưu sinh, anh đành gác lại việc thả hồn vào các con chữ, nốt nhạc và lao vào công việc. Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại Anh cùng vợ con, năm nay, gia đình nam nhạc sĩ có dịp về Việt Nam đón Tết.
Trần Lê Quỳnh - tác giả của nhiều bản hit về tình yêu lãng mạn.
- Năm nay, anh đưa vợ và con về Việt Nam đón Tết sau nhiều năm sống xa quê. Cảm giác của anh thế nào?
- Có một số người bảo Tết hiện nay không còn vui như Tết ngày xưa. Nhưng với tôi, Tết luôn có ý nghĩa đặc biệt. Dù đi đâu, người dân Việt luôn nhớ đến cội nguồn, gìn giữ những giá trị truyền thống.
Năm 2015 là lần mới nhất tôi về nước ăn Tết, sau đó do các con bận việc học nên tôi không có dịp về được trong các năm sau. Bản thân cảm nhận có một nơi để trở về, được đoàn tụ cùng bố mẹ, người thân, bạn bè... Nếu ở tại Anh, vào những dịp này tôi sẽ đi dự một buổi họp mặt của cộng đồng, thắp hương ông bà. Cảm giác nhớ Việt Nam chỉ ở trong tâm tưởng nhưng lần này được về thật. Đối với tôi, đó là cảm giác vui nhất.
- Sau Cô gái đến từ hôm qua, Tuyết rơi mùa hè... anh dường như không còn ca khúc nào tiếp nối mạch cảm xúc về tình yêu thơ mộng, tuổi học trò.... Tại sao lại có sự vắng bóng này?
- Tôi có thể lấy cột mốc là sau ablum Trẻ mãi của Đức Tuấn năm 2010, tôi dường như vắng bóng khỏi làng nhạc Việt. Khoảng thời gian đó, tôi có ca khúc Trăng dưới chân mình do Thu Phương - Hương Tràm thể hiện. Các ca khúc khác cũng có nhưng ít người biết đến.
Công việc chính của tôi không liên quan đến âm nhạc. Đó là việc mưu sinh, kiếm sống hàng ngày. Mặt khác, tôi cảm giác có sự lặp lại khi viết nhạc. Tôi viết ít hơn, cố gắng duy trì đam mê bằng việc viết vào các bản nháp. Cho đến 2015, ca sĩ Đức Tuấn có dịp nghe những bài nháp của tôi thì cảm thấy thích thú. Tôi có cảm xúc chăm chút lại những ca khúc đã viết và viết mới. Một hôm, Đức Tuấn ngõ ý với tôi kết hợp làm đĩa thứ 2 sau Trẻ mãi, từ đó sản phẩm 36 - Tuấn hát Quỳnh ra đời.
Năm nay, Trần Lê Quỳnh về Việt Nam đón Tết cùng gia đình.
- Sau 7 năm hợp tác lại với Đức Tuấn, cảm xúc âm nhạc của anh có nhiều thay đổi?
- Album Trẻ mãi như sự tóm tắt, tổng kết lại những ca khúc nhiều người đã biết. Lần này, 36 - Tuấn hát Quỳnh, tôi thấy mới mẻ, già dặn hơn. Album có tên 36, đúng với tuổi của Đức Tuấn và một vài anh em đồng hành trong thời điểm đó như Lê Thanh Tâm, nhà thơ Nguyễn Phong Việt... Mặt khác, 36 như sự biểu trưng, lứa tuổi của sự trưởng thành, có gia đình và mang nhiều nỗi lo toan khác.
Những ca khúc như Mẹ ơi, Mặt trời của cha... trước 2010 tôi không thể viết như vậy và nó dành cho một độ tuổi trên 30, có những va vấp của cuộc đời nhưng vẫn còn sự lãng mạn. Sự lãng mạn không còn như hồi tuổi teen, mà của những người đã ngấm và từng trải, đau một chút. Đau trong tình yêu và cả cuộc sống.
- Đức Tuấn từng nhận xét các sáng tác của Trần Lê Quỳnh đã không còn chất mơ mộng, lãng mạn như trước. Anh cảm nhận ra sao?
- Tôi hiểu ý của Đức Tuấn, không phải khen hay chê mà ý nói sự thay đổi về cuộc sống, cách sáng tác của người viết. Đó cũng là thách thức với tôi nếu bảo tôi viết lại một bài như Chân tình, Tuyết rơi mùa hè... lãng mạn và thuần về tình yêu. Ở giai đoạn 36 này, đánh dấu sự thay đổi của tôi, chắc chắn sẽ có người thích và người không thích.
Tôi không phải là người hoạt ngôn hay thích nói nhiều. Những gì bản thân muốn thể hiện thì sẽ vào một góc trải lòng qua con chữ. Hiện tôi không biết được mình có viết nhạc hay hơn hoặc viết được bao lâu nhưng đó là tình yêu và tình yêu thì phải luôn song hành với tôi. Khoảng thời gian khá dài, tôi tách biệt với âm nhạc trong nước. Album 36 - Tuấn hát Quỳnh, ít nhất được xem là sự trở lại của tôi và nguồn động viên để bản thân viết tiếp.
- Dòng nhạc Đức Tuấn theo đuổi khá kén người nghe. Anh có lo sợ về điều này khi hợp tác chung với bạn thân?
- Tôi và Tuấn có duyên là tình đồng môn khi học chung trường Lê Hồng Phong. Lúc làm album Trẻ mãi, chúng tôi đâu dự định làm tiếp album thứ 2 cho nên cả hai không có sự ràng buộc là sẽ viết thêm 10 ca khúc để làm album thứ 3. Vì vậy, tôi để mọi thứ tuỳ duyên.
Nếu lo ngại chắc Tuấn sẽ phải lo hơn tôi vì đây là album cậu ấy đầu tư mọi thứ, tôi chỉ là người sáng tác. Thật ra, âm nhạc với tôi là tình yêu. Có những ca khúc tôi vẫn để ở nhà, những sáng tác được ra mắt là niềm vui, bản thân khá ưng ý. Nếu như bài hát thành hit thì đó là niềm vui của tôi, Tuấn và cả tập thể.
Sau 7 năm, Trần Lê Quỳnh hợp tác trở lại cùng Đức Tuấn qua album 36 Tuấn hát Quỳnh.
- Trong khoảng thời gian dài tất bật với công việc mưu sinh, anh có theo dõi dòng chảy của âm nhạc trong nước?
- Tôi đánh giá cao dòng chảy âm nhạc hiện tại. So với nền âm nhạc khác ở Đông Nam Á thì tôi cảm thấy giai điệu, sản xuất của nhạc Việt khá tốt và có cái để tự hào. Tuy nhiên, ở nhiều góc độ khác mình có thể làm tốt hơn như mặt sáng tác chẳng hạn. Nhìn chung, tôi lạc quan và nghe nhiều. Album cụ thể tôi nghe gần đây là Mỹ Tâm 9. Còn bài hát như Em gái mưa của Hương Tràm, giai điệu khá bắt tai và tôi tự đệm piano ở nhà và hát ca khúc này. Bên cạnh đó, tôi cũng khá thích các sáng tác của Vũ Cát Tường.
- Nếu có dịp, anh có sẵn sàng kết hợp với các Mỹ Tâm, Hương Tràm... để cho ra những bản hit?
- Về sự hợp tác với các ca sĩ khác, tôi nghĩ tuỳ duyên. Tôi không nói sẽ kết hợp cụ thể với ca sĩ nào nhưng bản thân rất muốn điều đó. Có một điều tôi muốn chia sẻ, một điểm khác và có thể nói là hạn chế của nhạc Việt là thiếu sự hợp tác. Chính tôi cũng vậy, thường lời và nhạc là một người viết.
Trong khi đó, với âm nhạc phương Tây hay K-pop, chúng ta thấy trong một ca khúc có rất nhiều sự hợp tác, người viết lời, người viết nhạc, người hoà âm, phối khí... Có thể nói, nhiều người viết thì mang hơi hướm công nghiệp, trong khi một người viết lại có sự hạn chế. Mình nói vui ở đây là trí tuệ của mỗi người. Tôi nghĩ cần có nhiều sự hợp tác như vậy để tạo ra sự mới mẻ.
- Hiện thị trường nhạc Việt chào đón sự trở lại của dòng nhạc Bolero. Đa số các ca sĩ, chương trình truyền hình đều tận dụng tối đa dòng nhạc này. Cá nhân anh cảm nhận ra sao?
- Tháng 9 năm ngoái, tôi có nghe Bolero nhưng không cảm được. Tuy nhiên, dần về sau, một phần cũng nhờ bà xã xem các chương trình Bolero và bảo tôi xem cùng. Tôi bắt đầu cảm thấy rất hay và thích thú. Trước đây ca từ Bolero tôi thấy khá bình dân, nghe tôi vẫn thấy sự bình dân đó nhưng đã cảm vào trái tim của mình. Vì vậy, tôi muốn viết nhạc về Bolero, còn viết ra sao tôi chưa dám nói. Đó là chuyện cũ người mới ta.
Gần đây, có nhạc sĩ Thái Thịnh, Hamlet Trương họ mới viết Bolero cũng rất hay. Theo tôi, đừng vội chê dòng nhạc nào. Có thể lúc này bản thân thích dòng nhạc rap, chưa thích Bolero, nhưng đến lúc nào đấy, bạn cảm thấy sự yêu thích vì một lý do nào đó.
- Vừa qua, dư luận tranh cãi gay gắt về việc hát Bolero thế nào mới hay, chuẩn mực. Trên cương vị là một nhạc sĩ, anh nhận định vấn đề này như thế nào?
- Trước đây tôi cứ nghĩ Bolero là của người miền Nam, nhưng tôi xem các cuộc thi thì thấy khá nhiều người Bắc hát Bolero khá hay. Như ca sĩ Như Quỳnh gốc Quảng Trị thì vẫn hát Bolero đi vào lòng biết bao khán giả. Vì vậy, tôi không nói thế nào hát hay, hát dở trong Bolero mà tuỳ vào cảm nhận của mỗi người.
- Anh có nghe Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên hát Bolero?
- Có. Nhưng thú thật, thời gian vừa qua, tôi chủ yếu nghe những giọng ca không có tên tuổi khi họ đi thi, tôi lại thấy thích. Chính nhờ họ mà tôi cảm được Bolero.
- Vậy anh nghĩ thế nào trước quan điểm Bolero là dòng nhạc khó hát?
- Bolero khó hát là đúng. Không phải cứ học hành hay ca sĩ từ dòng nhạc pop, rock... có thể qua hát được Bolero. Tôi nghĩ mỗi dòng nhạc sẽ có đòi hỏi riêng. Chắc chắn ca sĩ opera sẽ không hát được nhạc Bolero và ngược lại.
Thông qua các cuộc thi về Bolero trên truyền hình đã tạo thành một xu hướng mang tính cộng đồng. Tuy nhiên, có một điều băn khoăn là đa số người xem tivi thường là những người lớn tuổi, giới trẻ đã ít xem tivi. Tôi không biết những bạn thích Sơn Tùng, Soobin Hoàng Sơn.... có thích nhạc Bolero hay không. Nhưng tôi tin rằng, đến một lúc nào đấy họ sẽ thích dòng nhạc này. Theo tôi, Bolero không có gì đáng lên án, chê bai, cũng giống mọi thể loại nhạc khác sẽ có bài hay, bài chưa hay. Với tư cách là một nhạc sĩ, tôi thấy viết một bài Bolero không phải là dễ.
Từ năm 2002, Trần Lê Quỳnh làm biên tập cho một kênh truyền hình tại Anh. Bà xã anh làm trong lĩnh vực ngân hàng. Nhạc sĩ "Chân tình" có hai người con, con đầu sinh năm 2009, con út sinh năm 2013. Trần Lê Quỳnh không chạy theo tiếng gọi thị trường. Anh tâm sự: "Một số bạn nói các bài hát tôi viết thường mang âm hưởng hơi buồn và có gì đó tiếc nuối. Tôi không biết giải thích làm sao, có thể vì tôi trầm tính, nhạc cũng chủ yêu thích những gì êm dịu". |
Sau nhiều lần chuyển chỗ ở, Duy Mạnh vừa tậu một căn hộ ở quận Tân Bình, TP.HCM, rộng 130m2.