Tại làng Bình Vọng (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) có đến gần chục quán rửa xe nhưng quán nào cũng đông khách.
Chị Thuận (xóm 10, Bình Vọng) đang lau rửa xe cho khách. Ngoài công việc đồng áng là cấy 2 sào lúa để lấy gạo ăn thì chị Thuận cũng làm thêm công việc rửa xe và bán hàng tạp hóa. Những ngày thường, chị rửa xe thường chỉ được khoảng 10-15 chiếc với giá 15.000 đồng/chiếc.
"Những ngày giáp Tết, số lượng xe rửa lên đến 50-60 chiếc, tôi lấy giá tiền nhỉnh hơn chút là 20.000 đồng/chiếc. Tính ra thành quả một ngày tương đương với vài tạ thóc, bằng cả vụ lúa mùa thất thu do chuột bọ cắn vừa qua", chị Thuận cười.
Chị Lê Thị Phiến (thôn Đình Tổ, Nguyễn Trãi, Thường Tín) dựng chân chống giữa xe để xịt nước trước khi lau chùi. Chồng chị Phiến đi làm ở nước ngoài, một mình chị Phiến ở nhà nuôi con nhỏ, công việc hàng ngày của chị là sửa xe đạp và rửa, thay dầu xe máy. Làm cái nghề của đàn ông đã vất vả, những ngày này công việc càng vất vả gấp nhiều lần khi vóc dáng chị chỉ cao 1 mét 50.
Những vật dụng lau chùi xe.
Bánh xe được lăn để lau quanh vành xe.
Những ngày này tuy vất vả nhưng lúc nào nụ cười cũng hiện trên khuôn mặt chị Phiến. "Những ngày thường tôi chỉ rửa được khoảng 10 chiếc xe với giá 10.000 đồng. Nhưng những ngày này số lượng xe cao gấp 4, 5 lần, giá tiền ngày Tết tôi cũng tăng lên 15.000 đồng/xe", chị Phiến chia sẻ.
Ngày 29 Tết, khách đến quá đông, chị Phiến phải nhờ chị gái sang rửa xe giúp.
Khách hàng đến đợi để rửa xe.
Sự tương phản giữa chiếc xe đã rửa và chiếc xe chưa rửa.
Những chiếc xe rửa xong được dắt vào trong sân nhà để đợi chủ đến lấy.
Nụ cười phấn khởi khi nhận tiền công, giá trị ngày công hôm nay của chị Phiến có thể tương đương vài tạ thóc.