Dân Việt

Cô gái trẻ nhất Microsoft Việt Nam đang đi học

27/01/2013 07:05 GMT+7
Vẫn ngồi trên ghế nhà trường nhưng Phạm Thị Thanh Nga đã trở thành nhân viên chính thức của Microsoft Việt Nam. Hiện Nga cùng nhóm bạn chuẩn bị sang Thượng Hải tham gia cuộc thi kinh tế lớn nhất thế giới.
img

Thanh Nga (sinh năm 1991, TP.HCM) hiện là sinh viên năm 4, chuyên ngành Tài chính - Quốc tế,ĐH Ngoại thương cơ sở 2. Cô là phó chủ tịch câu lạc bộ SIFE trực thuộc Đại học Ngoại thương. Nga từng nhận giải nhất tại nhiều cuộc thi như Nielsen Case Competition 2011 hay English Debate Contest - Global Me 2011.

Song song với vai trò một chuyên viên marketing của Microsoft Việt Nam, cô gái trẻ cũng nỗ lực để hoàn thành tốt nhất việc học của mình. Được biết, Nga hiện là nhân viên nhỏ tuổi nhất và cũng là nhân viên duy nhất của Microsoft Việt Nam còn ngồi trên ghế giảng đường.

img

Nữ sinh ĐH Ngoại thương chia sẻ, "duyên" đến với Microsoft bắt đầu từ kỳ thực tập vào tháng 6.2012 mà Nga được biết thông qua các hoạt động ngoại khóa của trường. Sau đó, qua nhiều vòng thi tuyển, Nga trở thành một trong hai sinh viên của Việt Nam được tuyển vào đợt thực tập tại Singapore cho sinh viên châu Á của tập đoàn Microsoft.

Áp lực từ việc học khá lớn và yêu cầu của công việc đòi hỏi Nga phải sang Singapore thực tập trong ba tháng. Dù thế nhưng "đó là một tập đoàn lớn, môi trường làm việc chuyên nghiệp và là mục tiêu của mình. Học là để được thực hành, đây là một cơ hội lớn cho mình và mình tin mình sẽ cân bằng tốt giữa việc học và làm", Nga giải thích.

img
 
img

Nga đặc biệt yêu thích các sản phẩm cũng như mục tiêu của Microsoft, đó là "giúp doanh nghiệp và mọi người dân phát huy tối đa tiềm năng nhờ công nghệ, nhờ đó có thể thay đổi hoàn cảnh, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn".

Và sau ba tháng thực tập, với nhiều cố gắng, nỗ lực, sự ham học hỏi, Nga trở thành nhân viên chính thức của Microsoft Việt Nam. "Dù công việc có nhiều thử thách, nhưng là "em út" của công ty nên mình cũng được mọi người trong công ty nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về công việc, cuộc sống", Nga tâm sự.

Gần đây, Nga lại cùng 4 bạn trẻ của ĐH Ngoại thương cơ sở 2 vinh dự trở thành đại biểu duy nhất của Việt Nam bước vào vòng chung kết cuộc thi Hult Prize khu vực châu Á diễn ra vào đầu tháng 3.2013 tại Thượng Hải.Đội của Nga sẽ cùng với nhiều đại diện khác của châu Á bảo vệ dự án của mình. Đội thắng sẽ được suất tham dự vòng chung kết thế giới Hult Prize 2013 tại New York vào tháng 9.2013, tổng giải thưởng của cuộc thi này lên tới 1 triệu USD.

img
Nga cùng 4 bạn trẻ của ĐH Ngoại thương cơ sở 2 là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Hult Prize 2013 tại Thượng Hải.

Công việc công ty vốn bận rộn nên sau giờ làm, vảo buổi tối Nga lại tiếp tục cùng 4 thành viên trong nhóm hoàn thiện đề án cho cuộc thi. Tình huống thực tế của Hult Prize 2013 là cuộc khủng hoảng lương thực thế giới - một trong những vấn đề xã hội nhức nhối nhất hiện nay.

Nga cho biết: "Từ tình huống đó, nhóm mình xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm ăn uống của những phụ nữ buôn bán nhỏ, bán hàng rong ở quận Bình Thạnh. Bên cạnh đó, nhóm cũng hợp tác với nghiên cứu sinh trường Alabama University để thiết kế hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh để mở rộng thị trường. Mình giữ nhiệm vụ phụ trách đối ngoại trong dự án của nhóm".

Một điểm đặc biệt của nhóm dự thi Hult Prize 2012 là các thành viên đều họcĐHNgoại thương cơ sở hai, và cũng là bạn bè thân thiết.

Thanh Nga tâm sự: "Mình tham gia nhóm để thi cuộc thi này vì các thành viên vốn thân thiết, có nhiều niềm vui bên cạnh việc tiếp thu thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ cuộc thi. Nhóm mình tin rằng với sự nỗ lực của nhóm, đề án sẽ tiến xa nhất có thể để không phụ sự ủng hộ của bạn bè, gia đình, nhà trường".

Hult Prize là một giải thưởng thường niên do ĐH Hult liên kết tổ chức với Quỹ Clinton Global Initiative (CGI) với đại diện là cựu tổng thống Bill Clinton.

Giải thưởng có tổng giá trị lên đến 1 triệu đô la Mỹ và sẽ được trao cho nhóm sinh viên có ý tưởng giải quyết xuất sắc nhất trước một tình huống thực tế do hội đồng tuyển chọn đưa ra. Tình huống thực tế của Hult Prize 2013 là cuộc khủng hoảng lương thực thế giới. Cuộc thi thu hút sự tham gia của hơn 10.000 đội tuyển đến từ hơn 150 quốc gia.

Theo Infonet