Dân Việt

Chợ quê Tết: "Thầy đồ thư pháp" bỏ túi 4 triệu đồng/ngày

Hồ Văn 15/02/2018 14:43 GMT+7
Những ngày cuối năm, các chợ vùng quê nhộn nhịp kẻ bán người mua sắm Tết. Nét đặc trưng của các phiên chợ quê ngày Tết là nhiều mặt hàng do người dân tự nuôi, trồng. Đặc biệt, các nhà thư pháp có dịp trổ tài trên vỏ trái dưa hấu, đem lại cho họ 4 triệu đồng mỗi ngày.

Những ngày này, các “thầy đồ” ở các chợ bận rộn với việc vẽ và khắc chữ thư pháp trên vỏ trái dưa hấu. Anh Nguyễn Quang Thi (thôn Sông Xoài 5, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) - một trong những người chuyên vẽ chữ thư pháp cho biết, ngoài các chữ quen thuộc như Phúc - Lộc - Thọ, Long - Phụng mang ý nghĩa cầu chúc năm mới có nhiều may mắn, tài lộc thì hình ảnh con chó - con giáp của năm mới - cũng được khá nhiều khách hàng lựa chọn. Với tiền công vẽ từ 50.000 đồng/trái, mỗi ngày anh Thi kiếm được khoảng 4 triệu đồng.

img

 Chỉ ngồi vẽ thư pháp, anh Nguyễn Quang Thi bỏ túi 4 triệu đồng mỗi ngày. Ảnh: Hồ Văn

Anh Trương Văn Nghĩa (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) mới 21 tuổi nhưng đã có 2 năm theo nghề khắc dưa hấu. Mỗi ngày, anh khắc chữ được khoảng 15 trái dưa, với tiền công từ 100.000-150.000/trái. 

img

 Khắc thư pháp trên dưa hấu cũng mang lại cho "thầy đồ" Nghĩa khoảng 2 triệu đồng mỗi ngày. ảnh: Hồ Văn

Những ngày giáp Tết, các chợ quê bày bán nhiều mặt hàng phục vụ việc gói bánh chưng: lá dong, lá chuối, lạt và nhiều loại trái cây để chưng mâm ngũ quả… Từ 5h sáng, chị Nguyễn Thị Lài (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) đã cùng con gái mang các thứ “cây nhà lá vườn” ra chợ Ngãi Giao bán, mỗi thứ một ít: lá chuối (10.000 đồng/kg), lạt (8.000 đồng/bó), lá dong (40.000 đồng/bó/40 lá). Mỗi ngày, mẹ con chị thu được 500.000 đồng.

img

Lá dong gói bánh chưng được bày bán ở nhiều chợ quê. Ảnh: Hồ Văn

Chợ Kim Long (xã Kim Long) là một trong những chợ đầu mối của huyện Châu Đức. Những ngày này, từ 4h sáng, chợ đã nhộn nhịp người mua kẻ bán. Bên cạnh các loại hàng hóa thông thường như thịt, cá, rau, củ, hải sản… nhiều gia đình có “cây nhà lá vườn” cũng mang ra chợ bán để có thêm tiền sắm Tết.

Bà Nguyễn Thị Bông, người dân ở xã Kim Long cho biết, gia đình bà nuôi gần 100 con gà ta. Những ngày giáp Tết, mỗi ngày bà mang ra chợ bán khoảng chục con, với giá 85.000 đồng/kg (gà mái), 95.000 đồng/kg (gà trống). Sau khi trừ chi phí, gia đình bà còn lãi gần chục triệu đồng, đủ để mua sắm Tết. 

img

Gà vườn nhà nuôi được ưa chuộng ở chợ quê. Ảnh: Hồ Văn

Chợ Ngãi Giao - nơi tổ chức Hội hoa Xuân huyện Châu Đức, bày bán nhiều loại hoa như: mai, cúc, vạn thọ, hướng dương, hồng… Ông Trương Đạo (nhà vườn ở thị trấn Ngãi Giao) cho biết, năm nay thời tiết bất lợi nên mai ra nụ sớm, ít bông. Giá bán mai từ 700.000 đồng đến hơn 10 triệu đồng/chậu, tùy thuộc vào dáng cây, gốc mai lớn hay nhỏ, còn cúc vàng từ 200.000 đồng - 800.000 đồng/chậu.

img

img

Người bán tất bật, người mua hối hả tại phiên chợ hoa ngày cuối năm. Ảnh: Hồ Văn

Tại một số chợ khác như Bà Tô (huyện Xuyên Mộc), chợ Ngãi Giao, chợ Kim Long, chợ Láng Lớn, giá bưởi da xanh 50.000 đồng/kg, chuối sứ xanh 50.000 đồng/nải, quýt 25.000 đồng/kg, dưa hấu loại 1 (trên 8kg/quả) có giá 15.000 đồng/kg, còn lại bán từ 7.000 đồng - 12.000 đồng/kg…

Các quầy hàng quần áo, giày dép được người bán bày ngay trên vỉa hè các chợ huyện với các bảng quảng cáo bắt mắt “Xả hàng dịp Tết, 40K/ một áo” hoặc “60k/bộ quần áo trẻ em”… cũng thu hút nhiều người mua sắm. 

img

 Hàng bán quần áo, nơi phụ huynh thường ghé để chọn cho con cái những bộ áo quần mới đón xuân. Ảnh: Hồ Văn

Ngoài những người đi chợ sắm Tết, nhiều người con xa nhà khi trở về quê đã đến chợ chỉ để ngắm hàng hóa, để tìm lại những kỷ niệm của thời thơ ấu. 

Chị Nguyễn Đình Phượng Vy (thị trấn Ngãi Giao, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Vào dịp Tết, tôi thường cùng mẹ hoặc bạn bè đi chợ, chủ yếu để ngắm những chậu hoa rực rỡ, ngắm màu đỏ của bao lì xì, màu xanh của cây trái… để nhớ về những ngày thơ ấu theo mẹ đi chợ quê ngày Tết”.

img

Bao lì xì, phong tục không thể thiếu trong những ngày tết về. Ảnh: Hồ Văn

Bên cạnh việc cung cấp hàng hóa cho thị trường, những phiên chợ quê ngày Tết còn là nơi thể hiện một phần đời sống của người dân, vừa là nơi lưu giữ và phát huy những nét đẹp xưa cũ tự bao đời của dân tộc.