Tục đi thổ công là nét văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người Nùng. Đây là dịp mọi người coi như một "ngày hội thi gà" vì những con gà được mang cúng tại buổi sáng mùng 1 tết sẽ là những con gà đã được tuyển chọn theo các tiêu chí đẹp nhất, to nhất. Các gia đình tại đây đã thức từ rất sớm để thịt và luộc gà cho kịp giờ cúng thổ công. Với quan niệm người nào đặt chân và mang gà tới thổ công cúng trước sẽ có nhiều lộc nên họ đã nhanh chóng mang đồ cúng đến thổ công.
Chủ nhà hoặc con trai trong nhà sẽ nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Khi đón giao thừa rồi đi chúc tết nhau, mọi người vẫn lượng sức mình để còn đi thổ công vào sáng hôm mùng 1 tết.
Bếp lửa được nhóm ngay trước miếu thờ thổ công chung của làng để tiện đốt hương.
Mọi nhà trong làng lần lượt mang đồ cúng thổ công. Ngay từ 5h sáng nhiều người đã đến đây để dọn dẹp và nhóm bếp lửa rực hồng ấm áp.
Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng thì đâu cùng là dịp để xem nhà nào có gà to nhất, ngon nhất làng.
Một con gà luộc, thịt lợn luộc, bánh chưng xanh và rượu thơm nồng mới cất được mang đến thổ công ngày đầu năm.
Những con gà luộc vàng ươm được xếp theo thứ tự thẳng hàng. Nhà nào đến trước xếp trước, đến sau thì xếp sau thẳng hàng tăm tắp.
Mọi người nhanh chóng thắp hương và châm rượu thể hiện sự thành kính.
Năm nào cũng vậy, người đến trước đợi người đến sau, chúc tết nhau, mời nhau những chén rượu đầu năm mới.
Khoảng 8h mợi người hóa vàng sau đó thu dọn đồ mang về để chuẩn bị thắp hương trên bàn thờ gia tiên.
Gà sau khi đi thổ công về sẽ được trần lại qua nước luộc gà cho nóng hổi, sau đó mang lên ban thờ gia tiên báo cáo với các cụ cầu một năm mới sức khỏe, làm ăn phát đạt, may mắn và bình an.