Theo phản ánh của các giáo viên, khi đi học trường cho biết đây là hệ chính quy, nhưng khi nhận bằng lại là… tại chức. Từ năm 1998, các chị bắt đầu được nhận vào các trường tiểu học của thành phố để dạy môn tiếng Anh ở các lớp học tự nguyện.
Hơn 10 năm đứng lớp, các chị được hưởng mức lương rất thấp vì được trích từ tiền đóng góp thỏa thuận của phụ huynh học sinh đối với nhà trường. Chị Nguyễn Thị Dung (SN 1977), giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học Lộc An cho biết: “Thời gian đầu, lương của tôi chỉ 90.000 đồng/tháng. Sau đó tăng dần lên 100.000 đồng/tháng, rồi vài trăm nghìn đồng/tháng. 2 tháng nay thì chưa có lương”.
Chị Đinh Thị Thu Hà - giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú cho biết, trong quá trình giảng dạy, nhiều chị vẫn tiếp tục học thêm, trau dồi kiến thức. Trong số 38 giáo viên ký đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, thì có 20 người được Trường ĐH Ngoại ngữ cấp giấy chứng nhận bổ túc kiến thức đạt trình độ ĐH chính quy cho cử nhân ngành tiếng Anh sư phạm hệ tại chức. Nhưng đó cũng lại là “tại chức”. Mà với tấm bằng tại chức, thì hiện cánh cửa biên chế đã khép chặt với họ bởi Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy. Thời gian gần đây, nghe thông tin giáo viên tiếng Anh cấp II sẽ được chuyển xuống thay thế khiến các giáo viên này hoang mang tột độ.
Trao đổi với PV sáng 8.11, ông Lê Xuân Tiến - Trưởng phòng GDĐT TP. Nam Định cho biết: “Hiện nay giáo viên biên chế tiếng Anh cấp THCS đang dư thừa, nếu chuyển số dôi dư này xuống cấp tiểu học thì hoàn toàn đủ nhu cầu. Vì thế, lo ngại mất việc của các giáo viên này là có cơ sở”.
Về vụ việc này, Chánh văn phòng UBND TP. Nam Định Nguyễn Minh Thắng cho biết: “Trong vòng 2 tuần tới, UBND thành phố sẽ họp với Sở Nội vụ để tìm ra phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi của các giáo viên trên cơ sở pháp luật”.
Gia Bảo