Dân Việt

5 ngày Tết: Bác sĩ lao đao vì 24.000 ca cấp cứu tai nạn giao thông

Diệu Linh 20/02/2018 10:33 GMT+7
Chỉ 5 ngày Tết (từ 30 tháng Chạp đến mùng 4 Tết), cả nước ghi nhận gần 24.000 ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông; số cấp cứu do đánh nhau tiếp tục gia tăng với gần 2.800 ca.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày ngày 19.2 (mùng 4 Tết) tổng hợp từ 1.300 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 63 sở Y tế các tỉnh, thành và y tế ngành trên toàn quốc, trong 5 ngày Tết Nguyên đán (từ ngày 30 đến mùng 4 Tết) cả nước đã ghi nhận gần 24.000 ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó, gần 14.000 trường hợp nhẹ được xử trí và cho về trong ngày; gần 8.000 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú. Số tử vong do TNGT (bao gồm cả tử vong trước khi đến BV) là hơn 110 trường hợp, tăng so với cùng thời điểm Tết năm ngoái.

img

Bệnh viện Việt Đức liên tục tiếp nhận các ca cấp cứu TNGT. 

Trong khi đó, số ca cấp cứu do đánh nhau vẫn tiếp tục gia tăng tại các cơ sở y tế với gần 2.800 trường hợp từ ngày 30 đến mùng 4 Tết. Khoảng 1.500 trường hợp đã phải nhập viện cấp cứu, trong đó 8 trường hợp tử vong. Cùng đó, số tai nạn do pháo nổ tiếp tục tăng so với 5 ngày Tết Đinh Dậu 2017 với hơn 200 trường hợp đến khám, cấp cứu, không có ca tử vong.

img

Trong những ngày Tết, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cũng quay cuồng trong việc cấp cứu, đa số là các ca cấp cứu do TNGT, đánh nhau mà "chất xúc tác" phần lớn là do bia rượu. Cụ thể, từ 29 đến mùng 2 Tết, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 50-70 ca cấp cứu do TNGT thì mùng 3 Tết là 126 ca. Theo các bác sĩ, số trường hợp tử vong và chấn thương sọ não do TNGT gia tăng trong những ngày qua, chủ yếu liên quan đến uống rượu, bia và không đội mũ bảo hiểm.

img

Không ngừng các ca cấp cứu nhập viện ngày Tết khiến các bác sĩ chóng mặt (Ảnh cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức)

Do các ca cấp cứu vì TNGT rất nặng, lại đông nên hầu hết các bác sĩ đã không được nghỉ Tết mà quay cuồng với việc phẫu thuật cho hơn 40 bệnh nhân nặng mỗi ngày. Các phòng phẫu thuật đều chạy hết công suất, còn các bác sĩ phải "tay năm tay mười" cấp cứu, chăm sóc, phân loại bệnh nhân để chuyển về tuyến dưới. 

Có khá nhiều ca đánh nhau do rượu, điển hình là ca bệnh vào sáng mùng 1 Tết. Bệnh nhân đã uống rượu say, bị bạn bè kích thích đã tự cầm dao đâm vào ngực mình. Các bác sĩ đã phải mất 4 tiếng đồng hồ để phẫu thuật cho bệnh nhân này. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, Khoa Phẫu thuật - Tạo hình hàm mặt (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, việc cấp cứu cho các bệnh nhân bị TNGT, đánh nhau do uống rượu rất vất vả. Vì ngay cả khi chấn thương rất nặng nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng say rượu, kích thích cao độ, bất hợp tác, la hét, phá rối, dãy giụa. Nhiều khi bác sĩ phải không xác định được là bệnh nhân tổn thương não do rượu hay nguyên nhân khác, phải chờ 1-2 ngày bệnh nhân tỉnh rượu mới có thể tiếp tục điều trị.