Dân Việt

Nghĩ về vị Bộ trưởng "lên bờ, xuống ruộng" và đột phá nông nghiệp

Khương Lực 21/02/2018 06:00 GMT+7
Nay ở Lào Cai, mai ở Khánh Hòa, rồi tới Tây Nguyên, Tây Bắc... Hết xuống đồng lội ruộng cùng bà con nông dân, rồi lại lên bờ đi chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai... đó là những hình ảnh chúng ta thường thấy trên các phương tiện truyền thông về một vị Bộ trưởng gần với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhất. Người đó chính là vị "tư lệnh" của ngành nông nghiệp hiện nay- Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.

Nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018, chúng tôi xin có đôi nét chấm phá về vị "tư lệnh của ngành nông nghiệp.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường lội ruộng kiểm tra mạ cùng bà con nông dân huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày 26 Tết (13.2) vừa qua.

Khó khăn bủa vây và những hành động quyết liệt

Hơn 1 năm giữ vai trò tư lệnh ngành Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường luôn phải tất bật với vai trò Bộ trưởng, Trưởng ban Phòng chống thiên tai Trung ương. Ngày đầu nhận chức Bộ trưởng, ông đã phải trực tiếp chỉ đạo và đưa ra phương hướng khắc phục thiệt hại của cơn bão số 1 (năm 2016) cho các địa phương. Do ảnh hưởng của cơn bão và mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây ngập úng hầu như toàn bộ đồng ruộng 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

Là người hiểu và có kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, khi trực tiếp đi kiểm tra tại các tỉnh bị thiệt hại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lội thẳng xuống ruộng cảm nhận mức độ nước ngập. Ông nhổ một khóm lúa, quan sát kỹ rễ, thân, lá và đánh giá khả năng phục hồi. Sau đó, Bộ trưởng nhanh chóng đưa ra một số giải pháp khắc phục và nhờ vậy hầu hết diện tích lúa bị ngập nước đã được cứu vãn và cho một vụ mùa bội thu. 

Trong năm 2017, có tới 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với đó là mưa lớn, lũ ống, lũ quét... xảy ra trên diện rộng ở khắp các vùng miền của cả nước. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2017 đã lên mức kỷ lục – ước khoảng 60.000 tỷ đồng, cho thấy mức độ khốc liệt và khó khăn do thử thách của thiên tai. 

img

Hình ảnh tươi cười của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khi kết thúc năm 2017, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tích hết sức ấn tượng.

Hễ mỗi khi có thông tin bão lũ hay thiên tai thì lãnh đạo Chính phủ, rồi Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai lại căng mình ra chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời nhanh chóng khắc phục, khôi phục lại sản xuất để sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, đúng kỹ thuật, nhiều khu vực ở duyên hải miền Trung, Tây Nguyên năm trước bị mất mùa do khô hạn thì năm nay lại được mùa, sản lượng lúa tăng lần lượt 9,7% và 10,6%.

Trong bối cảnh khó khăn ấy và những rào cản từ thị trường ngày càng khắt khe hơn; cùng với chỉ tiêu rất cao Chính phủ giao cho ngành ngay từ đầu năm 2017: Tăng trưởng đạt 2,84%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 32-33 tỷ USD; 31% số xã, 38 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hệ số che phủ rừng đạt 41,45%. Toàn ngành nông nghiệp còn chịu sức ép trong việc hoàn thiện, phê duyệt chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT theo nhiệm kỳ 2016 – 2020; hoàn thiện thể chế pháp luật (hoàn thiện, trình Quốc hội 3 Luật và xây dựng 2 luật để trình trong năm 2018); nhiều thủ tục đầu tư cho giai đoạn trung hạn... Phải nói đây là một khối lượng công việc khổng lồ, đè nặng lên vai tư lệnh ngành.

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm mô hình sản xuất gà Đông Tảo tại Hưng Yên.

Với sự đồng sức, đồng lòng, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và sự thay đổi lớn về phương thức chỉ đạo “rõ đầu việc, đầu mối chủ trì và truy trách nhiệm đến cùng”, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành các đơn vị thuộc Bộ, đồng thời với sự hỗ trợ, phối hợp từ các bộ, ngành liên quan, các địa phương, các thành phần kinh tế (nhất là doanh nghiệp), người dân vào cuộc, góp phần tạo ra những kết quả dấu ấn cho ngành trong năm 2017 khi thực hiện đạt và vượt tất cả những chỉ tiêu mà Chính phủ giao: Tăng trưởng đạt 2,9%, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016 (1,36%); Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với đó, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có 3.069 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 34,37% - vượt kế hoạch được giao là 31%); tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%...

Sức lan tỏa từ sự đồng hành

img

Ngay từ khi nhận nhiệm vu Bộ trưởng Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Xuân Cường luôn coi trọng việc doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là khâu chế biến (Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng ông Đinh Cao Khuê- Giám đốc Công ty XNK Đồng Giao bàn về cách chế biến quả dứa xuất khẩu).

Phải nói rằng, trong năm 2017 sự đồng hành, quan tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tạo sức lan tỏa, niềm tin mãnh liệt để các thành phần kinh tế - xã hội, bà con nông dân tập trung khai thác tốt những tiềm năng, khắc phục những điểm yếu, điểm nghẽn của nông nghiệp, nông thôn để từng bước đưa tái cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phát triển. “Chưa có một ngành hàng gì ở giai đoạn nào mà cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm trực tiếp chỉ đạo những diễn đàn, hội nghị lớn của ngành, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn, truyền cảm hứng, niềm tin để cả hệ thống chính trị, nhất là các cấp địa phương, các thành phần kinh tế, bà con nông dân vào cuộc, biến những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước thành những hành động cụ thể” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Chỉ riêng năm 2017 đã có 2.000 doanh nghiệp đầu tư khu vực nông nghiệp – một kết quả cao nhất từ trước đến nay (tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016), đưa tổng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lên khoảng 5.700 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, số HTX thành lập mới trong năm 2017 là gần 1.200 HTX, tăng gấp 4 lần bình quân 4 năm thực hiện Luật HTX 2012. Đây là yếu tố hạt nhân để cùng với doanh nghiệp tạo nên hạt nhân liên kết cùng với các bà con nông dân, các trang trại hình thành những vùng sản xuất gắn với chuỗi, từ vùng sản xuất nguyên liệu, đến chế biến phục vụ công tác xuất khẩu.

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm một cơ sở chế biến chuối xuất khẩu ở Hưng Yên.

Trên cương vị tư lệnh ngành, trong năm 2017 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã liên tục tổ chức giao ban, họp bàn hay những buổi làm việc, gặp gỡ với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và các đối tác liên quan để lắng nghe các ý kiến kiến nghị, đề xuất và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư và mở cửa thị trường. Trong năm 2017, chúng ta đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của 2 ngành hành rau quả, thủy sản. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5%, vượt xa kim ngạch xuất khẩu gạo khoảng 2,6 tỷ USD. Nhưng điều khiến Bộ trưởng băn khoăn suy nghĩ là tỷ lệ chế biến của nông sản Việt Nam nói chung, nhất là mặt hàng rau quả chưa cao, đến nay mới chỉ đạt khoảng 9%. 

Bộ trưởng hành động, rất có uy tín với dân

“Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không những uy tín với Chính phủ mà rất uy tín với người dân” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành lời khen ngợi tư lệnh ngành nông nghiệp tại hội nghị tổng kết diễn ra vào đầu tháng 1/2018. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc tới “hình ảnh sát dân, gần dân, đối thoại với nhân dân, dám làm, dám xông pha trận mạc” của Bộ trưởng và cho rằng: “Bộ trưởng phải như vậy thôi”. 

Chính vì thế, khi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 tại Davos, Thụy Sĩ, Bộ trưởng đã “đặt hàng” Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức khác tại Geneva tìm hiểu các công nghệ tiên tiến của Thụy Sĩ trong việc chế biến, bảo quản nông sản nói riêng và công nghệ cho ngành nông nghiệp nói chung để làm cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các doanh nghiệp lớn trên thế giới, các công nghệ hiện đại. Cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, địa phương, tín hiệu đáng mừng là trong năm 2018 sẽ có một số nhà máy chế biến hoa quả hiện đại được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động với tổng công suất trên 1 triệu tấn (bằng công suất 142 nhà máy hiện có).

Những kết quả, dấu ấn ngành Nông nghiệp và PTNT đạt được trong năm 2017 là rất đáng trân trọng, tạo tiền đề cho ngành có những bước đột phá trong những năm tiếp theo. Bước sang năm 2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 3,0%, trong đó lĩnh vực trồng trọt đạt tối thiểu 2,2%, chăn nuôi 3%, thủy sản 5,5%, lâm nghiệp 6%. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản trên 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 37% và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm một trung tâm sản xuất tôm giống bố mẹ ở Bình Thuận.

Để tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, người dân, trong năm 2018 và thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu Chính phủ để có những chính sách, những cơ chế hấp dẫn hơn, khuyến khích hơn các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp. Bộ coi đây là một trong những giải pháp đột phá để giúp cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả hơn, sản xuất theo chuỗi giá trị được thực hiện trên nhiều ngành hàng chủ lực ở cả cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp địa phương. “Trong năm 2018 chúng ta phải tiếp tục làm sâu sắc hơn, tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu: thứ nhất, phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng sản xuất; thứ hai, đi sâu hơn vào công tác chế biến; thứ ba công tác mở rộng thị trường” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.