Thị trường bất động sản năm 2018 vẫn trong tầm kiểm soát tốt
Theo thống kê, lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng ngân hàng vào thị trường bất động sản kể từ ngày 01/02/2015 đến nay có nhiều "cột mốc" đáng chú ý.
Theo đó, thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 60% (áp dụng từ 01/02/2015 đến 31/12/2016); và đã quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản (áp dụng từ 01/02/2015 đến 31/12/2016).
Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27/05/2016 của NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã cho phép các các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa theo lộ trình: Từ ngày 01/07/2016 đến ngày 31/12/2016 là 60%, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2017 là 50%, từ ngày 01/01/2018 là 40%. Thông tư này cũng quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản (áp dụng kể từ ngày 01/01/2017).
Đặc biệt, NHNN vừa ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa theo lộ trình: Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018 là 45%, từ ngày 01/01/2019 là 40%.
Thông tư 19/2017/TT-NHNN vẫn quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản như Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Thông tư này giúp các ngân hàng thương mại đã chỉ được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 40% kể từ 01/01/2018, và các doanh nghiệp bất động sản càng khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.
Ngày 23/01/2018, NHNN đã có công văn số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Trước việc tín dụng bất động sản ngày càng hạn chế, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, HoREA nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp cần chủ động mọi mặt để sẵn sàng "đối phó" với việc siết chặt tín dụng.
"Khuyến nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận; doanh thu; chuẩn bị được quỹ đất, dự án đầu tư phát triển; chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án; tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay, và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 01/01/2019 theo lộ trình của Thông tư 19/2017/TT-NHNN", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.