Dân Việt

Cột mốc lịch sử hàng nghìn năm xung đột ở Jerusalem

Hồng Hạnh 23/02/2018 20:37 GMT+7
Trong suốt hàng nghìn năm, Jerusalem trở thành vùng đất bị xâu xé, tranh giành không chỉ bởi đủ các sắc tộc như Do Thái, Cơ đốc hay Hồi giáo mà còn bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó.

img

Khung cảnh từ trên cao Thành phố Cổ của Jerusalem. Ảnh: AP

Tháng 12.1917, Tướng Anh Edmund Allenby giành quyền kiểm soát Jerusalem từ tay những người bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ dưới đế chế Ottoman.

Trong suốt một thế kỷ từ đó cho đến nay, Jerusalem trở thành vùng đất bị xâu xé, tranh giành không chỉ bởi đủ các sắc tộc như Do Thái, Cơ đốc hay Hồi giáo mà còn bị nhòm ngó từ các thế lực bên ngoài, có thể kể đến Israel và Palestine như hiện nay.

Xung đột tại vùng đất thánh Jerusalem tồn tại đã qua hàng ngàn năm, bao gồm cả những thời kỳ kinh thánh, Đế chế Roman và Thập Tự Chinh (cuộc viễn chinh của đoàn quân Công Giáo châu Âu tràn vào Trung Đông trong suốt hai thế kỷ từ thế kỷ 11 đến 13). Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là câu chuyện xảy ra trong thế kỷ 20, với căn nguyên từ chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc và quan điểm bài Do thái còn gây tranh cãi đến tận bây giờ.

1917-1948: Thời kỳ cai trị của Vương quốc Anh

“Đối với người Anh, Jerusalem rất quan trọng. Họ là những người định hình Jerusalem là một thủ đô. Trước đó, nó chẳng là thủ đô của bất kỳ nước nào cả”, giáo sư Yehoshua Ben-Arieh – nhà sử học thuộc Đại học Hebrew (Mỹ) nhận định.

img

Binh sĩ Anh chờ sự xuất hiện của Tướng Edmund Allenby tại cổng Jaffa 1917. Ảnh: Getty Images

img

Tù nhân Palestine dưới Thành phố Cổ. Ảnh: Getty Images

img

Giới chức Anh trục xuất người nhập cư Do Thái ra khỏi Haifal. Ảnh: Getty Images

Trong ba thập kỷ dưới sự cai trị của Vương quốc Anh, Jerusalem chứng kiến sự tràn vào của những người Do Thái, mang theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, trong khi người dân Arab địa phương phải thay đổi để thích ứng với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman – những người cai trị thành phố từ năm 1517.

Phản đối sự di dân của người Do Thái đã gây ra một số cuộc nổi dậy đẫm máu từ người Palestine. Trong khi đó, người Do Thái cũng đối đầu với giới chức Anh và luật nhập cư năm 1939 – luật lệ ngăn cản người Do Thái muốn chạy trốn khỏi sự diệt chủng của chủ nghĩa phát xít Đức nhập cư đến Jerusalem.

Sau chiến tranh năm 1947, Liên hợp quốc (LHQ) công nhận kế hoạch phân chia 2 nhà nước - một Do Thái, một Arab - với Jerusalem dưới quyền cai trị của một "chế độ quốc tế đặc biệt" do tình trạng độc nhất của nó.

1948-1967: Thành phố bị chia cắt

Người Arab phản đối kế hoạch của LHQ, và một ngày sau khi Israel tuyên bố giành độc lập năm 1948, các quốc gia Arab tấn công đất nước non trẻ này. Tuy nhiên, họ đã thất bại. Trong bối cảnh bạo lực gia tăng do quân đội và người biểu tình từ cả hai phía, một số lượng lớn người Do Thái và Arab đã bị mất nhà cửa.

img

Ông David Ben-Gurion đọc bản tuyên ngôn độc lập của Israel vào ngày 14.5.1948 tại Tel Aviv. Ảnh: Getty Images

img

Tòa nhà sập đổ tại Ben Yehuda Street sau một vụ nổ bom xe năm 1948. Ảnh: AFP

img

Người Do Thái rời khỏi Thành phố Cổ năm 1948. Ảnh: Getty Images

Jerusalem bị chia cắt: nửa phía Tây trở thành một phần của quốc gia mới Israel (và Israel công nhận nó là thủ đô dưới luật nước này thông qua năm 1950), trong khi nửa phía đông, bao gồm Thành phố Cổ, được Jordan kiểm soát.

Vào thời kỳ đó, cả Israel và Jordan đều không quá quan tâm tới Jerusalem. Israel muốn xây dựng các khu vực ven biển, bao gồm thành phố Haifa, Tel Aviv và Ashkelon trở thành một khu thương mại phát triển. Còn Vua Jordan, Abdullah I, lại tập trung đầu tư cho thủ đô Amman.

Chịu sức ép từ LHQ và các quốc gia châu Âu, đất nước non trẻ Israel chấp thuận để quốc tế kiểm soát Jerusalem và tìm kiếm một thủ đô khác thay thế ở phía nam. Họ cũng nhận ra việc không kiểm soát vùng đất thánh Jerusalem cũng mang lại nhiều lợi thế.

1967-1993: Hai cuộc chiến tranh và phong trào Intifada

Không có bất kỳ sự kiện nào định hình xung đột hiện đại tại Jerusalem có sức ảnh hưởng như là cuộc Chiến tranh Arab-Israel 1967. Thời điểm đó, Israel không chỉ đánh bại quân đội Arab mà còn giành quyền kiểm soát Dải Gaza và Bán đảo Sinai của Ai Cập, Bờ Tây và Đông Jerusalem từ Jordan và Cao nguyên Golan từ Syria.

“Bước ngoặt trong năm 1967 gồm hai sự kiện: chiến thắng lịch sử, bao gồm cảm giác chuyển biến từ sợ hãi bị đánh bại sang sự tự tin điều gì cũng có thể xảy ra, và cảm xúc khi giành được Thành phố Cổ”, nhà khoa học chính trị Menachem Klein tại Israel nhận xét.

img

Binh sĩ Israel tại Nhà thờ Aqsa trong cuộc chiến tranh 1967. Ảnh: Getty Images

img

Bức tường ngăn cách Đông và Tây Jerusalem. Ảnh: Magnum Photos

Chiến thắng của đảng cánh hữu Likud năm 1977 dưới sự lãnh đạo của ông Menachem Begin đã giúp củng cố niềm tin Jerusalem là một phần của bản sắc Israel.

Năm 1980, các nhà lập pháp Israel thông qua một dự luật tuyên bố "Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất, là thủ đô của Israel”, động thái này khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ.

1993 – nay: Hiệp định Oslo

Hiệp định Oslo năm 1993 cho phép Palestine quản lí Bờ Tây và Dải Gaza, trong khi tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề chính như biên giới, người tị nạn và tình trạng của Jerusalem.

Sau chuyến thăm của nhà chính trị cánh hữu Ariel Sharon năm 2000 tới thành cổ Jerusalem, bạo lực nổ ra và dẫn tới cuộc nổi dậy thứ hai của người Palestine khiến ít nhất 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel thiệt mạng trong 5 năm.

img

Binh sĩ Israel không cho người Palestine vào Jerusalem từ Bờ Tây. Ảnh: The New York Times

img

Người Palestine ném giày vào cảnh sát Israel tại nhà thờ Aqsa năm 2001. Ảnh: Getty Images

Việc Tổng thống Trump tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này bị đánh giá có thể là dấu chấm hết cho nỗ lực đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine.

Giáo sư Ben-Arieh giải thích: “Xung đột người Arab-Do Thái đã leo thang thành xung đột quốc gia, với Jerusalem là trung tâm. Jerusalem là vùng đất thánh đối với 3 cộng đồng tôn giáo, nhưng trên đó hai quốc gia hình thành, một bên là người Do Thái, một bên là người Arab địa phương, và cả hai bên đều hết sức bảo vệ Jerusalem”.