Dân Việt

Đại gia Hứa Thị Phấn thâu tóm Ngân hàng Đại Tín như thế nào?

Hải Duyên 23/02/2018 11:01 GMT+7
Thông qua các công ty sân sau và nhân viên dưới quyền là họ hàng, bà Phấn rút nhiều nghìn tỷ đồng của Đại Tín.

Kết quả điều tra của Bộ Công an xác định, đến tháng 6.2010, Ngân hàng Đại Tín có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỷ đồng. Đại diện pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch HĐQT), Trần Sơn Nam (Tổng giám đốc) nhưng họ chỉ là người quản lý, điều hành trên danh nghĩa. Bà Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn, 71 tuổi) tuy chỉ giữ chức Cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị và Cố vấn Hội đồng tín dụng nhưng có gần 85% cổ phần nên thao túng mọi hoạt động của ngân hàng.

Bà Phấn thông qua các công ty do mình thành lập và nhân viên dưới quyền có quan hệ họ hàng đứng tên mua 26 bất động sản rồi mua đi bán lại trong nhóm, nâng khống giá trị gấp nhiều lần giá thị trường. Sau đó, bà này chỉ đạo Hội đồng tín dụng và Ban điều hành mua lại chúng với tổng giá trị hơn 3.580 tỷ đồng (cao hơn vốn điều lệ) để rút ruột, chiếm đoạt.

Nâng khống bất động sản 8 lần bán lại cho Đại Tín

Nhà chức trách cho rằng, riêng việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (quận 3) bán lại cho Đại Tín đã gây thiệt hại cho nhà băng này hơn 1.105 tỷ đồng.

Căn nhà có diện tích hơn 621m2 được bà Phấn mua năm 2008 với giá hơn 21.700 lượng vàng (khoảng 370 tỷ), bán lại cho Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang (do bà thành lập thuê cháu rể Lâm Kim Dũng đứng tên) với giá 426 tỷ. Công ty này sau đó mang thế chấp cho Đại Tín vay tiền để đầu tư vào công ty bất động sản khác của bà Phấn.

Tháng 8.2011, Tổng giám đốc Trần Sơn Nam có tờ trình lên HĐQT về việc mua lại căn nhà với giá 1.268 tỷ. Cùng ngày, HĐQT gồm: Chủ tịch Toàn, bà Phấn và các thành viên trong đó có Tổng giám đốc Nam, Phó giám đốc Ngô Kim Huệ (cháu bà Phấn)… đã thông qua và chuyển tiền mua căn nhà cho Công ty Lam Giang.

Sau khi chuyển nhượng lòng vòng, tháng 2.2012, Ngân hàng Đại Tín do Tổng giám đốc Nam đại diện ký lại hợp đồng mua căn nhà trên với cá nhân bà Phấn với giá 1.260 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản cho bà Phấn rút ra sử dụng.  

img

Bà Phấn. Ảnh: Q.T

Theo kết quả thẩm định tháng 9.2014 của Công ty SIVC, nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch chỉ khoảng 181 tỷ đồng; còn Hội đồng thẩm định giá trong tố tụng hình sự TP.HCM là 154 tỷ.

Từ ngày bà Phấn bị khởi tố (22.3.2017), cơ quan điều tra chưa thể lấy lời khai do bị can bị bệnh (được cho là mất 93% sức khỏe). "Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ và lời nhận tội của các bị can khác, đủ cơ sở xác định bà Phấn đã lợi dụng quyền chi phối, bất chấp các quy định của pháp luật chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành mua nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch không thông qua Đại hội cổ đông. Toàn bộ số tiền rút ruột và chiếm đoạt của Đại Tín bà sử dụng vào mục đích cá nhân", kết luận của Bộ Công an nêu.

Kết quả thanh tra Ngân hàng Đại Tín đến cuối tháng 2.2012 cho thấy bị lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2.850 tỷ. Do đó, hơn 1.105 tỷ bà Phấn chiếm đoạt từ việc nâng khống căn nhà trên bán cho Đại Tín là tiền gửi của dân.

Hiện, số tiền này không thu hồi được nên bà Phấn và 3 đồng phạm gồm Ngô Kim Huệ, Lâm Kim Dũng và Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ, trợ lý của bà Phấn) bị cáo buộc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bảy bị can khác là thành viên HĐQT trong đó có cựu Chủ tịch Toàn và Tổng giám đốc Nam bị truy tố về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Công ty Phương Trang bỗng dưng gánh nợ hàng nghìn tỷ đồng

Đại gia Sáu Phấn còn bị cho là thông qua trợ lý Loan chỉ đạo cán bộ, nhân viên Đại Tín tại chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang lập chứng từ, giúp mình thu khống hơn 5.256 tỷ đồng của nhà băng. Sau đó, bà này yêu cầu cán bộ Đại Tín lập chứng từ chi khống đẩy nợ cho Công ty Phương Trang.

Cụ thể, từ tháng 5.2010 đến tháng 2.2012, Đại Tín đã giải ngân cho Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu với số tiền trên sổ sách là gần 16.500 tỷ đồng. Thực tế Công ty Phương Trang chỉ được giải ngân hơn 3.900 tỷ.

Cơ quan điều tra xác định, bà Phấn đã lợi dụng doanh nghiệp này có nhiều bất động sản tại nhiều tỉnh, đang cần vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, chỉ đạo Đại Tín buộc Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt cho vay và giải ngân không thông báo cho Phương Trang. Có khi Đại Tín không giải ngân, hoặc chuyển tiền không đủ cho Phương Trang.  

Truy ngược dòng tiền, cơ quan điều tra cho rằng, bà Phấn đã lợi dụng ảnh hưởng của mình trong khi Đại Tín đang gặp khó khăn về thanh khoản, tồn quỹ tiền mặt chỉ khoảng 20 tỷ, không đủ tiền để giải ngân, chỉ đạo cán bộ ngân hàng lập chứng từ thu khống, hạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó đẩy dư nợ khống cho Phương Trang để cấn trừ vào số tiền đã chiếm đoạt.

Trong đó, bà Phấn giữ vai trò chủ mưu, trực tiếp ký 11 chứng từ thu khống 416 tỷ đồng để tất toán khống 3 khoản vay. Trợ lý Loan ký 28 giấy nộp tiền và 10 phiếu thu khống để tất toán khống 7 khoản vay 402 tỷ đồng mà Loan đứng tên vay cho bà Phấn sử dụng trước đó.

Ngoài ra còn 20 bị can khác làm hàng loạt chứng từ, phiếu thu khống giúp bà Phấn lấy tiền của Đại Tín sử dụng.

Nhiều người khác có liên quan đến sai phạm của bà Phấn nhưng cơ quan điều tra cho rằng họ làm công an lương, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, thành khẩn khai báo… nên không xử lý hình sự.

Với cách thức tương tự, bà Phấn đã thực hiện hàng loạt sai phạm khác để chiếm đoạt tiền, song Bộ Công an đã tách ra để tiếp tục điều tra trong các giai đoạn tiếp theo.

Luật sư đề nghị bà Hứa Thị Phấn bồi thường 500 tỷ cho Oceanbank Bào chữa cho Phạm Công Danh, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX truy nguyên đường đi số tiền 500 tỷ và buộc bà Hứa Thị Phấn chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường cho Oceanbank. Nguồn: Zing