Ngày 23.2, ông Dương Hoàng Nguyên – Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai - cho biết: "Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự công sở, không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng diễn biến khá phức tạp. Toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 6 vụ vi phạm, gồm 2 vụ ở huyện K’bang, 3 vụ ở huyện Chư Pứh và 1 vụ ở huyện Đắk Đoa.
Gỗ tang vật bị thu giữ tại địa phận xã Hà Đông.
Theo ông Nguyên, trong 6 vụ vi phạm, có 2 vụ phá rừng khá nghiêm trọng (ở huyện K’Bang và huyện Đắk Đoa) còn 4 vụ khác là cất giấu lâm sản trái phép. Cụ thể, rạng sáng 13.2 (ngày 28 Tết), lực lượng kiểm lâm đi tuần tra tại tiểu khu 60 (thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai, xã Sơn Lang, huyện K’bang) phát hiện nhóm lâm tặc đang khai thác gỗ trái phép và tiến hành bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tình (trú xã Sơ Pai, huyện K’bang), tạm giữ 1 xe độ chế, 1 máy cưa, gần 23 khối gỗ từ nhóm II - VII. Vụ việc đã được cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, tiếp tục mở rộng điều tra.
Cùng ngày 13.2, tại địa bàn giáp ranh giữa 2 xã Hà Đông (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) và xã Kon Pne (huyện Kon Rẫy, Kon Tum), lực lượng kiểm lâm phát hiện 2 điểm phá rừng, thu giữ 17 lóng, hộp gỗ và 1 xe máy cày độ chế. Đến 22h, do không có thực phẩm, chăn màn nên tổ công tác về trụ sở UBND xã Hà Đông nghỉ ngơi, đến 5h sáng hôm sau quay lại hiện trường thì chiếc xe cày tang vật đã bị lâm tặc cho phi tang bằng cách đốt cháy. Do địa hình phức tạp, Hạt Kiểm lâm Đắk Đoa đã làm việc, bàn giao toàn bộ gỗ và tang vật cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy đưa về tạm giữ tại kho bãi.
Liên quan vụ việc này, ông Nguyễn Hữu Long – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đắk Đoa cho biết: "Khi lực lượng kiểm lâm tiếp cận vị trí gỗ tang vật và phương tiện nằm trên địa phận xã Kon Pne (huyện Kon Rẫy, Kon Tum – nơi giáp ranh với địa phận tỉnh Gia Lai) thì gặp nhiều lâm tặc đứng tại chỗ, có người đến xin xỏ. Thời điểm trên, lực lượng của mình có 7 người, gồm 4 kiểm lâm và 3 cán bộ xã, trong khi lâm tặc có đến 8 người, tay cầm dao đe dọa, đòi lái xe đi. Khi chúng tôi ngăn cản thì họ nói: “Đây là đất Kon Tum, các ông ở Gia Lai có quyền gì mà bắt giữ xe”. Đến khuya, do thiếu thực phẩm và chăn màn nên lực lượng kiểm lâm quay về UBND xã nghỉ ngơi, sáng hôm sau quay lại thì chiếc xe tang vật đã bị lâm tặc đổ xăng đốt.
Xe cày độ chế bị lâm tặc đốt phi tang.
Giải thích lý do vì sao trong dịp Tết Nguyên đán lại xảy ra nhiều vụ phá rừng, ông Dương Hoàng Nguyên – Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai - nói: "Lâm tặc nghĩ dịp Tết, việc tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng lơi lỏng nên lợi dụng phá rừng. Thực tế, mặc dù dịp lễ tết nhưng UBND tỉnh và Chi cục đã có chỉ đạo nên việc túc trực, tuần tra bảo vệ rừng vẫn được tiến hành thường xuyên nên mới phát hiện được lâm tặc. Tôi nghĩ, để quản lý và bảo vệ rừng được tốt thì không chỉ là việc của ngành chức năng, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân. Bởi lực lượng kiểm lâm khá mỏng, khó có thể quản lý hết tất cả các cánh rừng được".