Clip: Chùa Ngọa Vân hút hàng nghìn du khách, phật tử ngày khai hội.
Lễ hội xuân Ngọa Vân được duy trì tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng và diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, hướng về cội nguồn. Đây cũng là dịp để các tầng lớp nhân dân, phật tử và du khách hành hương về Ngọa Vân, Đông Triều - vùng đất Phật trời Nam để dâng hương, kính lễ, bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức to lớn của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, cầu phúc, cầu tài cho một năm an lạc.
Du khách, phật tử về dự lễ khai hội.
Chùa Ngoạ Vân thuộc xã Bình Khê, huyện Đông Triều tựa lưng vào ngọn núi Bảo Đài.
Dự lễ khai hội có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng hàng nghìn tăng ni, phật tử và du khách thập phương.
Chùa Ngoạ Vân thuộc xã Bình Khê, huyện Đông Triều tựa lưng vào ngọn núi Bảo Đài, phía trước có Ngọn Bút. Nơi đây, có am Ngoạ Vân nằm trên khối đá lớn về phía bắc ngôi chùa. Am Ngoạ Vân lấy ngọn núi Bảo Đài làm tay ngai phải (hữu bạch hổ) cả cánh núi phía đông của núi Bảo Đài làm tay ngai trái (tả thanh long).
Theo sử sách ghi lại, vào tháng 5.1307, sau một thời gian tu hành, giảng pháp, Trần Nhân Tông đã lên tu tại am nhỏ trên núi Bảo Đài. Đây cũng chính là nơi Trần Nhân Tông “an nhiên viên tịch” ở tư thế sư tử nằm vào giờ Tý đêm 1.11.1308, kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành hoá Phật. Sau khi Trần Nhân Tông hoá Phật, vâng theo di chúc, Bảo Sái đã tiến hành hoả thiêu Ngài ngay tại am Ngoạ Vân. Pháp Loa, Tổ thứ hai của Thiền Phái Trúc Lâm đến tưới nước thơm lên giàn hoả, thu được ngọc cốt và hơn 3.000 viên ngọc xá lị. Đồng thời, thiền sư Pháp Loa cho xây dựng bảo tháp để lưu giữ một phần xá lị tại chùa Ngoạ Vân.
Tròn 700 năm kể từ ngày Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông lên Ngọa Vân dựng am tu hành, các giá trị của chốn tổ Trúc Lâm đã được các cấp, các ngành, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học tích cực nghiên cứu và khẳng định. Quần thể di tích Ngọa Vân có 15 điểm di tích, phân bố trên một không gian rộng lớn, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Nhận rõ những giá trị to lớn của miền “thánh địa” - kinh đô Phật giáo Trúc Lâm, trong 10 năm qua, thị xã Đông Triều đã tích cực phối hợp với Ban Trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh dồn tâm sức, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích Ngọa Vân, cũng như Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều theo Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Quảng Ninh đánh trống khai hội.
Thượng tọa Thích Thành Quyết đánh chuông khai hội.
Các đại biểu dâng hương cầu Quốc thái dân an.
Ngày khai hội xuân Ngọa Vân đã trở thành ngày mà “muôn tâm” tụ về cõi Phật, nơi Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn - "thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm. Ngọa Vân là điểm đến tâm linh mỗi độ tết đến xuân về.