Dân Việt

Muốn học sinh giỏi vào sư phạm phải "chấp nhận đau thương"?

Tùng Anh 25/02/2018 15:41 GMT+7
Để siết chất lượng đào tạo giáo viên, trong dự thảo mới về quy chế tuyển sinh ĐH CĐ nhóm ngành sư phạm, Bộ GD ĐT đã đưa ra yêu cầu chỉ tuyển bằng học bạ vào sư phạm đối với những học sinh đạt lực học khá giỏi. Tiêu chí này đã gây ra nhiều tranh cãi.

Cụ thể, trong Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH; CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 mà Bộ GD ĐT vừa công bố đưa ra quy định: “Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau: Đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.”

Theo nhiều chuyên gia giáo dục và giáo viên, tiêu chí này sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu vào các trường sư phạm. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách đi kèm về đầu ra, mức lương và môi trường làm việc, học sinh khá, giỏi sẽ vẫn không mặn mà thi vào sư phạm.

img

Dự kiến năm 2018, chỉ học sinh khá, giỏi mới được xét tuyển vào sư phạm (ảnh minh họa: IT)

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo – Giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Tp Hồ Chí Minh) cho rằng, việc xét tuyển học sinh khá, giỏi vào sư phạm là rất nên làm vì “có thầy giỏi mới có trò giỏi”. Tuy nhiên, sẽ phải mất 2 – 3 thậm chí đến 5 năm sau mới có thể tuyển đúng, đủ số lượng vì tình hình hiện nay khó tuyển được những em giỏi vào sư phạm.

 “Các trường sư phạm cần phải “chấp nhận đau thương” trong một vài mùa tuyển sinh. Có thể sẽ tuyển được ít học sinh, không đủ chỉ tiêu nhưng nếu đào tạo đúng sẽ thay đổi được giáo dục Việt Nam trong tương lai, giúp giáo dục đi đúng hướng như mong muốn của chúng ta” – cô Huyền Thảo nói.

Trong khi đó, GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, tiêu chí này rất đột phá nhưng nó nên là hệ quả của một giải pháp khác. Theo GS Báo, giải pháp đó là những chế độ thu hút người tài bao gồm: chế độ lúc đang học (miễn học phí, tăng học bổng), chế độ khi tốt nghiệp ra trường (có việc làm ngay) và chế độ khi đi dạy (lương hấp dẫn, môi trường làm việc tốt).

“Nếu có được các chế độ này thì không cần tiêu chí, người khá giỏi cũng sẽ tự động thi vào sư phạm, khi đó các trường sẽ có sự lựa chọn và điểm chuẩn tự nhiên sẽ cao lên” – GS Báo nói.

GS Đinh Quang Báo cũng chia sẻ, năm 1996 là năm đầu tiên áp dụng việc miễn học phí và tăng học bổng, ngành sư phạm đã lựa chọn được rất nhiều học sinh giỏi. Khoa toán của ĐH Sư phạm Hà Nội điểm chuẩn đầu vào là 27 điểm. Trước đó, đầu vào không cao như vậy nhưng vẫn thu hút được học sinh khá vì ra trường có việc làm ngay.

img

Ngoài việc làm, mức lương, giáo viên cũng rất cần có môi trường làm việc dân chủ, được tôn trọng, được phát triển bản thân (ảnh minh họa: IT)

“Chính vì vậy, để đạt được các tiêu chuẩn của dự thảo, cần có một cuộc khảo sát và sự vào cuộc của Bộ Nội vụ, các địa phương về nhu cầu nhân lực, phải quy hoạch lại trường lớp làm thế nào để cung khớp với cầu, sinh viên ra trường có việc làm và mức thu nhập ổn định” – GS Báo đề xuất.

Ngoài ra, theo cô Huyền Thảo, giáo viên còn rất cần có môi trường làm việc dân chủ, được tôn trọng, được phát triển bản thân cùng những cơ hội nghề nghiệp: “Nếu có được những điều đó, nhiều giáo viên giỏi, yêu nghề vẫn có thể bất chấp mức thu nhập thấp để gắn bó và cống hiến” – cô Huyền Thảo chia sẻ.

Nói về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD ĐT) cho biết, tiêu chí học sinh khá, giỏi chỉ áp dụng với phương thức xét tuyển bằng học bạ. Đối với hình thức xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, Bộ cũng sẽ dự kiến đưa ra các mức điểm sàn hợp lý có thể cao hơn nhiều so với các năm trước để đảm bảo chất lượng.

Ông Tuấn cũng lý giải, tiêu chí này cũng được xây dựng căn cứ vào các số liệu từ tỉnh gửi về. Theo đó, nhu cầu giáo viên của các địa phương năm nay không cao. Bộ sẽ căn cứ vào nhu cầu để đưa ra mức điểm sàn hợp lý nhằm hạn chế việc dư thừa giáo viên.

Được biết, mới đây, một số trường sư phạm địa phương cũng đã đưa ra các phương án tuyển sinh theo “đơn đặt hàng”. Cụ thể, trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) vừa cho biết trường dự kiến lấy điểm đầu vào 24 điểm/ 3 môn không tính điểm ưu tiên đối với giáo viên cấp THCS và THPT. Theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Thanh Hóa, có thể mùa tuyển sinh năm nay, mỗi ngành học (môn) sẽ chỉ có khoảng 10 – 15 chỉ tiêu. Số sinh viên này sẽ được đào tạo theo chương trình chất lượng cao và được tỉnh hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/ năm/ sinh viên cùng cam kết sẽ sử dụng các em khi tốt nghiệp ra trường.