Dân Việt

Nông dân coi thường phác đồ điều trị lao

11/11/2011 07:39 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là thực tế tại Phú Thọ khi bệnh nhân không uống thuốc đều đặn dẫn tới kháng thuốc. Hiện, các tổ tuyên truyền phòng chống lao của nông dân Phú Thọ đang nỗ lực để hạn chế tình trạng này.

Gia tăng lao kháng thuốc

Thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Phú Thọ cho thấy, 9 tháng đầu năm 2011 đã phát hiện 420 bệnh nhân mắc lao, trong đó 169 bệnh nhân sau khi khám được chuyển về điều trị tại tuyến huyện. Bác sĩ Vũ Văn Thủy - Trưởng khoa Lao phổi cho biết: “Người mắc lao chủ yếu là nông dân, đối tượng làm việc vất vả, lam lũ nhưng lại không chú ý đến sức khỏe và ý thức phòng chống lao còn kém”.

img
Điều trị cho bệnh nhân mắc lao ở Phú Thọ.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Thuỷ, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là bệnh nhân không tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Đặc biệt là bệnh nhân lao điều trị tại tuyến tỉnh, sau khi điều trị 1 – 2 tháng đầu bằng liệu pháp tấn công để khống chế nguồn lây nhiễm, sau đó sẽ được chuyển xuống tuyến huyện.

Bác sĩ Thuỷ nói: “Sau 1-2 tháng uống thuốc, bệnh nhân lao thấy triệu chứng lâm sàng giảm rõ rệt nên lầm tưởng là đã hết bệnh và bệnh nhân thường bỏ điều trị nửa chừng hay bỏ điều trị một thời gian mới trở lại”.

Điều này sẽ dẫn đến bệnh lao kháng thuốc, không những nguy hại cho cá nhân người bệnh, mà còn nguy hại to lớn đối với cộng đồng, vì bệnh nhân đa kháng thuốc thì không còn khả năng điều trị. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ chống lao cấp huyện, thị xã có trình độ chuyên môn không đồng đều, kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa sâu sát được bệnh nhân.

Anh Nguyễn Văn Khoa - bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Tôi bị ho, sốt kéo dài, sau khi được chẩn đoán chính xác là mắc lao phổi, tôi được điều trị tại bệnh viện tỉnh. Sau 2 tháng nằm viện, tôi chuyển về huyện điều trị ngoại trú. Vì thấy các dấu hiệu đã hết nên tôi ngừng uống thuốc, sau đó bệnh lại tái phát. Được tuyên truyền vận động và được các bác sĩ động viên, tôi tiếp tục điều trị theo phác đồ”.

Thực tế, theo các y, bác sĩ nơi đây, để vận động được người nghi mắc lao đi khám đã khó, kiểm soát để họ tuân thủ đúng phác đồ điều trị còn khó gấp bội. Nói về điều này, anh Khoa thành thật: “Nhà tôi cách bệnh viện huyện 20-30km, cán bộ y tế cũng không tiếp cận thường xuyên được. Bản thân tôi uống thuốc hôm nhớ hôm quên nếu không có người nhắc nhở. Nhiều bệnh nhân khác cùng nằm với tôi cũng rơi vào tình trạng đó”.

Tiếp cận nông dân để tuyên truyền

Trước thực trạng đó, các tổ phòng chống lao của nông dân đã vào cuộc. Mô hình thí điểm đầu tiên của Phú Thọ được thành lập tại 2 xã Tân Sơn, Thạch Kiệt (huyện Tân Sơn). Để vận động và phát hiện kịp thời người nghi mắc lao đi khám và điều trị, tổ công tác phòng, chống lao Phú Thọ đã thành lập các nhóm chăm sóc y tế thôn bản tại cơ sở để tiếp cận trực tiếp đến nông dân. Tuyên truyền viên cũng là nông dân thường xuyên quan tâm, nhắc nhở bệnh nhân lao kiên trì điều trị theo phác đồ (8 tháng).

Để lành bệnh và tránh tái phát thì các bệnh nhân lao phải tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ (8 tháng), liều lượng dùng thuốc tùy theo từng cá thể bệnh nhân, dùng thuốc phải đúng cách, điều trị không đủ số và lượng thuốc quy định sẽ dẫn tới lao kháng thuốc.

Bà Hà Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ, Tổ trưởng tổ chống lao cho biết: Đây là chương trình được hỗ trợ bởi dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống lao. "Tổ cũng xác định vận động những người đang điều trị lao nhưng bỏ uống thuốc, nhưng số này tiếp cận được cũng không nhiều vì họ thường giấu. Vì vậy, để thực hiện được hoạt động này, tổ cần thông tin từ các cơ sở điều trị để vận động đúng và trúng đối tượng"- bà Hương chia sẻ.

Song song với tuyên truyền trực tiếp, tổ chống lao còn tuyên truyền bằng những tiết mục văn hóa văn nghệ thông qua các tình huống xử lý câu hỏi. Cách làm này thu hút sự tham gia của rất nhiều nông dân, và nhờ vậy, kiến thức về bệnh lao, quá trình phòng chống lao "thấm" rất nhanh vào người dân để tiếp tục nhân rộng trong cộng đồng.