Dân Việt

Phó GS trẻ nhất và sự “tình cờ” của số phận

11/11/2011 15:37 GMT+7
(Dân Việt) - Sinh ra trong một gia đình có bố là kỹ sư thuỷ lợi, mẹ là giáo viên cấp 3, hồi nhỏ Phạm Hoàng Hiệp chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ theo đuổi ngành Toán học.

Sự “tình cờ” của số phận

Sinh ra trong một gia đình có bố là kỹ sư thuỷ lợi, mẹ là giáo viên cấp 3, hồi nhỏ Phạm Hoàng Hiệp chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ theo đuổi ngành Toán học. Mãi đến cuối cấp II, sau khi vô tình đọc được một cuốn sách cũ về số học trên giá sách của bố, Hiệp mới thực sự cảm thấy thích thú với toán học và theo đuổi niềm đam mê từ đó. Sau khi đỗ vào khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, anh thể hiện năng lực đặc biệt trong nghiên cứu toán học.

img
 

Cùng với niềm đam mê và sự quan tâm của các GS đầu ngành ở khoa Toán, Hoàng Hiệp đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và gây được sự chú ý cho GS Urban Cegrell ở ĐH Umea, Thụy Điển.  GS Urban Cegrell đã mời anh sang hợp tác làm việc. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư vào tháng 3. 2008.

29 tuổi, Phạm Hoàng Hiệp - giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội đã được công nhận là PGS, trở thành PGS trẻ nhất Việt Nam. Từ niềm đam mê toán học, anh luôn trăn trở làm sao để môn toán thực sự có ích đối với sự phát triển đất nước.

Tại thời điểm được công nhận là PGS trẻ tuổi nhất Việt Nam, anh đang công tác ngắn hạn tại Trường ĐH Jopesh Fourier, thành phố Grenoble, nước Pháp.

Khi biết mình là người trẻ tuổi nhất được phong hàm PGS năm nay, Phạm Hoàng Hiệp rất bất ngờ và hạnh phúc. Anh chia sẻ: “Đó là một niềm vinh dự lớn, tuy nhiên hiện ở nước ngoài có rất nhiều người còn được phong hàm GS, PGS ở độ tuổi trẻ hơn”.

Nói về những bước đường đi đến thành công, PGS Hoàng Hiệp nói: “Khi bắt tay vào nghiên cứu bất kỳ một tài liệu nào, tôi thường chỉ đọc kết quả và cố gắng tự mình chứng minh kết quả đó. Làm như vậy sẽ hiểu được độ khó của vấn đề để tìm ra câu trả lời và diễn giải kiến thức đó theo quan điểm của mình và làm đơn giản nó. Cũng cần có óc tưởng tượng và luôn đặt câu hỏi tại sao, rồi độc lập suy nghĩ giải quyết nó hoặc đưa ra ví dụ để phủ định nó. Đó là cách nghiên cứu khoa học của tôi”.

Đơn giản hoá toán học

Đối với toán học, PGS Hoàng Hiệp cho rằng, đây là môn học có ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của đất nước thông qua chương trình giáo dục, đặc biệt là toán học ở cấp tiểu học, THCS và THPT. “Hiện nay, toán học của ta dạy hết sức hàn lâm. Nếu chúng ta làm cho chương trình toán học trực quan, gắn với thực tiễn, dễ hiểu, đơn giản hơn thì khi đó mọi học sinh đều có tư duy tốt, họ sẽ là nhân tố giúp đất nước phát triển”- Hiệp nói.

Tất nhiên, để làm được điều này cần những nhà nghiên cứu toán học quan tâm đến giáo dục. Vì vậy, anh xác định luôn cố gắng làm cho toán học trở nên đơn giản, dễ hiểu. Tuy công việc này không đem lại công trình khoa học mới, nhưng đem lại hiểu biết sâu sắc cho chính bản thân và rất tốt cho việc dạy và học toán.

Lễ công nhận chức danh GS, PGS năm 2011 sẽ được diễn ra vào ngày mai 12.11 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Sẽ có 34 nhà giáo được công nhận chức danh GS và 374 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Cũng theo PGS Hoàng Hiệp, nếu quy tụ được các nhà toán học trẻ có tâm huyết vào các trường ĐH thì điều này sẽ thành hiện thực. Lý giải về việc các nhà khoa học trẻ thường chọn xuất ngoại làm hướng đi để phát triển sự nghiệp, PGS Hoàng Hiệp cho rằng:

“Thực tế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ở nước ngoài lương cao hơn, điều kiện làm việc cũng tốt hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng những người giỏi nên làm việc ở nước ngoài một thời gian để có điều kiện phát triển khoa học, sau đó quay lại giúp đỡ các nhà khoa học trong nước.

Về chế độ đãi ngộ, chúng ta không thể mong muốn Nhà nước sẽ đãi ngộ vật chất ngang bằng được như các nước Mỹ, châu Âu vì khó khăn là tình hình chung của đất nước. Tôi chỉ mong Nhà nước có chế độ đãi ngộ thích hợp với tình hình của Việt Nam và sử dụng các nhà khoa học vào những công việc phù hợp”.