52 năm một chặng đường
Bắt đầu từ SEAP Games (tiền thân của SEA Games) lần thứ 1 năm 1959, Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á (tổ chức 2 năm/lần) đã trải qua hành trình 52 năm. Đến nay, nhiều người vẫn nhắc đến tấm HCV bóng đá nam lịch sử của đội tuyển miền Nam Việt Nam (một trong những thành viên sáng lập ra SEAP Games cùng với Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Lào, Singapore).
Ngày ấy, những tên tuổi như: Thủ môn Phạm Văn Rạng, Lê Văn Tỷ, Nguyễn Văn Cụt, Phạm Văn Hiếu, Trần Văn Nhung, Đỗ Thới Vinh, Hà Tam, Nguyễn Văn Tư… đã hạ đội chủ nhà Thái Lan 3-1 trong trận chung kết để bước lên ngôi vô địch trong ánh mắt thán phục của bạn bè quốc tế. Cũng tại đại hội lần đầu tiên ấy, các VĐV Việt Nam dù phải di chuyển bằng ô tô sang Thái Lan so tài nhưng vẫn giành được 5 HCV, 5 HCB, 6 HCĐ.
Những năm từ 1961 đến 1973, các VĐV Việt Nam vẫn đều đặn tham dự các kỳ SEAP Games và giành nhiều thành tích cao. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Việt Nam đã trở lại SEA Games 15 năm 1989 (ở Malaysia) và đoạt 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ; thành tích của đoàn thể thao Việt Nam sau đó có bước thăng trầm: 7 HCV (1991), 9 HCV (1993), 10 HCV (1995), 35 HCV (1997), 17 HCV (1999), 33 HCV (2001).
Những điểm sáng đánh dấu sự “tái xuất” của TTVN có thể kể đến: Cao Ngọc Phương Trinh (judo), Trần Hiếu Ngân, Trần Quang Hạ (taekwondo), Kim Anh (karatedo), Thúy Hiền (wushu), Lý Đức (thể hình)… Đỉnh cao là tại SEA Games 22 (2003), với tư cách chủ nhà, TTVN đã giành ngôi đầu toàn đoàn với 158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ. Từ đó đến nay, TTVN luôn nằm trong tốp 3 toàn đoàn SEA Games. Gần nhất là tại SEA Games 2009 (Lào), TTVN (83, 75, 57), xếp thứ 2 toàn đoàn sau Thái Lan (86, 83, 97).
Cuộc đua tốp 3
Xuyên suốt lịch sử SEA Games, nửa trên bảng tổng sắp toàn đoàn thường là sự xuất hiện của Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore. Thậm chí như một “thông lệ”, cứ nước nào trong số 6 nước nói trên là chủ nhà, là ngôi nhất toàn đoàn thuộc về nước đó với số huy chương áp đảo so với các nước còn lại. Theo đó, việc Indonesia nhất toàn đoàn SEA Games 2011 gần như là đương nhiên, với số huy chương mà đoàn thể thao xứ vạn đảo đặt ra là 155/542 bộ huy chương ở 42 môn thi đấu tại đại hội.
Trong khi đó, Thái Lan được đánh giá là nước có nền thể thao hàng đầu khu vực cũng đặt mục tiêu 125 HCV nhờ các môn thế mạnh: Điền kinh, boxing, xe đạp, cầu mây, bi sắt, cử tạ, quần vợt, thể dục, futsal... Khi Indonesia, Thái Lan thực hiện thành công những gì mình tuyên bố, thì TTVN sẽ phải nỗ lực rất nhiều để cạnh tranh vị trí còn lại nằm trong tốp 3 với Malaysia (đặt mục tiêu 50 HCV), Philippines (mục tiêu 40 HCV), Singapore (mục tiêu 30-40 HCV). Đây là những nước rất mạnh môn điền kinh, bơi, bowling, trượt patin, golf, khiêu vũ thể thao, bắn cung… và sẵn sàng cạnh tranh với VĐV Việt Nam ở các môn võ.
Đứng trước không ít khó khăn, nhưng ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic VN vẫn rất lạc quan: “TTVN hy vọng có HCV ở rất nhiều môn: Điền kinh (8-10 HCV), cờ vua (4-5 HCV), vật, teakwondo, karatedo, vovinam, judo, bắn súng, pencak silat (3-5 HCV)... Và chỉ tiêu 70 HCV hoàn toàn khả thi”.
Lê Đức