Dân Việt

Cây chè Việt đi thi... nhan sắc

11/11/2011 07:39 GMT+7
(Dân Việt) - Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi đội chỉ được chọn một cây chè đẹp nhất để tham gia hội thi. Tiêu chí của cuộc thi là cây chè phải có dáng tự nhiên, cổ thụ, tán lá rộng và chất lượng trà tốt.

Đây là chủ đề của Hội thi cây chè đẹp, mở màn cho các hoạt động của Liên hoan Trà quốc tế Thái Nguyên lần thứ nhất (Festival tra Thainguyen-Vietnam 2011) diễn ra từ ngày 9 - 15.11, tại TP.Thái Nguyên.

Chè Việt đi thi

Từ sáng sớm ngày 9.11, khu vực Bảo tàng Các dân tộc Việt Nam (TP.Thái Nguyên) đã rực rỡ cờ, hoa, băng rôn, cùng tiếng loa và trống chiêng vang dội. 16 đội dự thi cùng 16 cây chè đẹp, đến từ 5 tỉnh: Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ và Hà Giang (trong đó đội chủ nhà Thái Nguyên có 12 đội) đã tề tựu đông đủ, chờ đến giờ khởi tranh ngôi vị.

img
Cây chè Trung Du (52 năm tuổi) của đội huyện Đại Từ (Thái Nguyên) giành Giải Vàng.

Phần vì đường sá xa xôi, phần vì háo hức, nhiều đơn vị đã mang cây chè đẹp của mình xuống từ hai hôm trước, vừa để "thăm dò" đối phương, vừa có thời gian để hoàn thành việc “trang điểm” cho cây chè của mình thật lộng lẫy. Mỗi đội đều chọn cho mình cách trang trí cây chè riêng sao cho đẹp, ấn tượng nhất.

Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi đội chỉ được chọn một cây chè đẹp nhất để tham gia hội thi. Tiêu chí của cuộc thi là cây chè phải có dáng tự nhiên, cổ thụ, tán lá rộng và chất lượng trà tốt… 16 cây chè là 16 dáng thế, kích cỡ khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là lạ và đẹp.

Chuẩn bị đến "giờ G", các đội càng háo hức, hồi hộp. Tranh thủ tút lại "nhan sắc" cây chè của mình lần cuối, anh Nguyễn Đình Thông đội Đại Từ (Thái Nguyên) nói: "Đội xuống từ hôm qua nhưng buổi tối anh em vẫn tập lại kịch bản cho kỹ. Vừa vui, vừa lo nên chẳng ai ngủ được".

Đúng 8 giờ 30, một đoàn xe chở các cây chè đẹp từ từ tiến qua lễ đài, giữa những tràng pháo tay vang dội cùng những lời khen suýt xoa của khán giả, khiến không khí hội thi "nóng" hơn.

Mỗi cây chè đều mang một vẻ đẹp, thế mạnh riêng, khiến Ban giám khảo khá đau đầu để chọn ra cây chè đẹp nhất. Một thành viên Ban giám khảo chia sẻ. "Chúng tôi rất ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những cây chè mà các đội đem về dự thi. Vì đều “một chín, một mười” nên chúng tôi phải dựa vào đặc điểm nổi trội để xác định cây chè đẹp nhất để trao Giải Vàng".

Ấn tượng “nhan sắc” chè

Bằng các thể loại như sân khấu hóa, kịch... các đội đã khéo léo giới thiệu được đặc điểm cây chè, cũng như thế mạnh và các sản phẩm chè đặc sắc của địa phương mình tại hội thi. Với hình thức sân khấu hóa, đội Yên Bái đã kể lại câu chuyện về nguồn gốc của cây chè San Tuyết cổ thụ Suối Giàng.

Nói về kịch bản của mình, anh Đỗ Thanh Tùng - Phó đoàn cho biết: "Chúng tôi chỉ có 4 ngày tập luyện, nhưng các diễn viên nông dân đã thể hiện khá sát với kịch bản, nên đội đã đoạt Giải Nhất".

Còn đội Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đem đến hội thi màn giới thiệu về các giống chè cho năng suất, chất lượng cao như PH1, bạch hạc… và nói về quá trình chăm sóc, sản xuất chè, cũng như cách pha chế chè để có được một ấm chè ngon, hội tụ đủ 8 vị "hương đất, mật trời".

Màn sân khấu hóa, theo kịch "Ngọc Hoàng, Táo Quân", đội huyện Đại Từ đã tạo được tiếng cười với sự đối đáp thông minh của Táo để giới thiệu về Đại Từ - vùng chè lớn nhất Thái Nguyên.

Vừa từ sân khấu bước xuống với vai diễn Ngọc Hoàng khá thành công, anh Nguyễn Văn Vân vui vẻ nói: "Lần đầu tiên lên sân khấu nên cũng hơi run, nhưng khi được khán giả cổ vũ, mình đã lấy lại bình tĩnh và cứ thế diễn. Đây là cơ hội tốt nhất để giới thiệu về cây chè, cũng như các sản phẩm của Đại Từ đến với bạn bè quốc tế, nên anh em đều rất cố gắng". Và cây chè đẹp của Đại Từ đã giành được Giải Vàng của hội thi.

Hỏi về bí quyết để chọn cây chè đẹp dự thi, anh Vân chia sẻ: "Chúng tôi đã chọn lọc ra một đại diện từ hàng vạn cây chè của địa phương. Đó là cây chè Trung Du (52 tuổi). Nó hội tụ đủ các yếu tố như: Tán rộng, dáng khỏe, lá xanh, búp mập đều. Vì cây chè dễ chết, nên việc tách bầu rất khó khăn, chúng tôi phải xén đất từng góc một và sau 2 tháng mới tách lên chậu được...”.