Dân Việt

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu gạo từ 3 doanh nghiệp lớn Việt Nam

Thuận Hải 26/02/2018 15:28 GMT+7
Cuối tháng 1 vừa qua, phía Trung Quốc đã tạm ngưng việc nhập khẩu gạo từ ba doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo Việt Nam. Sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết, do doanh nghiệp thiếu hoàn toàn các thông tin chính thức.

Thông tin từ ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2018 do Bộ Công thương tổ chức sáng nay ở TP.HCM. Trong số các doanh nghiệp Việt Nam được phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu gạo vào thị trường này, đã có 3 doanh nghiệp bị tạm dừng việc kinh doanh tại thị trường này.

Ông Hồng cho biết, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng lúa gạo nói riêng, tuy nhiên, quốc gia này cũng đang thay đổi nhiều chính sách về xuất nhập khẩu, siết chặt các vấn đề về quản lý chất lượng, bảo hộ sản xuất trong nước cũng như hạn chế mậu dịch biên giới… Việc này đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thương mại giữa hai bên, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

Vấn đề lớn hơn nữa là do thiếu thông tin, doanh nghiệp không thể tận dụng các cơ hội phát triển kinh doanh hoặc phải vướng vào các vấn đề kiện tụng, tranh chấp hoặc bị trả hàng về, gây tổn thất lớn cho cả doanh nghiệp và quốc gia.

img

Thiếu thông tin nên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, năm 2017, người chăn nuôi Việt Nam phải trải qua một cuộc khủng hoảng lớn, giá lợn giảm sâu khiến nông dân lao đao, đến mức cả xã hội phải chung tay “giải cứu”.

Trong khi đó, nhu cầu thịt heo tại các tỉnh biên giới Trung Quốc vẫn tăng cao, tuy nhiên, việc xuất khẩu qua biên giới bị siết chặt, thương lái hai bên cũng ngày càng khó khăn hơn trong các giao dịch tiểu ngạch. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc chưa hề có một thỏa thuận chính thức nào về xuất nhập khẩu thịt. Và đây là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.

“Nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở Trung Quốc rất lớn, nếu có thể giao dịch chính ngạch giữa hai nước sẽ hỗ trợ nhiều trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi Việt Nam. Tuy nhiên, để có được thỏa thuận này, hoạt động tiêu thụ thịt heo trong nước cũng phải được cải thiện sang hình thức hiện đại hơn”, ông Hòa nói.

Theo đó, TP.HCM đang từng bước kiểm soát các hoạt động giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, tổ chức truy xuất nguồn gốc từ nơi giết mổ đến người tiêu dùng… Ngoài ra TP.HCM cũng đang lập đề án xây dựng sàn giao dịch thịt heo theo hướng hiện đại. Hiện tại, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 – 11.000 con heo. Với giá thành từ 30.000 – 32.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm thịt heo tiêu thụ tại TP.HCM ước tính khoảng 500 triệu USD.

Dù dư địa thị trường tại các đối tác lớn của Việt Nam, đặc biệt là các nước đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), tuy nhiên, tại hội nghị sáng nay, nhiều doanh nghiệp “phàn nàn” việc thiếu thông tin, hoặc không thể liên lạc được với các tham tán thương mại Việt Nam.

img

Lúc xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp gỗ nhiều lần "gõ cửa" văn phòng Thương vụ Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ.

Ông Bùi Hữu Thêm, Chánh văn phòng Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) kể, mới đây, một doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội này là Công ty TNHH Gia Hân có xảy ra tranh chấp với Công ty Global Home S.R.O do ông Otto De Jager làm đại diện, có trụ sở tại Cộng hòa Czech. Theo đó, phía Gia Hân ký hợp đồng bán sản phẩm nhưng phía Global Home không thanh toán.

Lúc này, HAWA có liên lạc với Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Czech để nhờ tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp Global Home cũng như người đại diện là ông Otto De Jager. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc, HAWA không nhận được phản hồi từ phía Tham tán thương mại. Hiệp hội này tiếp tục nhờ đến sự can thiệp của Bộ Công thương nhưng vẫn không thành công vì vướng nhiều thủ tục hành chính, pháp lý.

Ông Thêm cho rằng, doanh nghiệp không đòi hỏi gì cao lớn ở các Tham tán Thương mại trong việc tìm kiếm thị trường, đối tác… nhưng mong muốn có được những thông tin chính xác về các thay đổi trong chính sách kinh tế, xuất nhập khẩu của các nước. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần những thông tin về xu hướng thị trường tiêu dùng, hướng phát triển cho doanh nghiệp ở từng quốc gia có Thương vụ Việt Nam.

Tuy nhiên, về vụ việc này, Tham tán thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Czech cho rằng, đơn vị này đã tìm hiểu và xác định ông Otto có đăng ký là thành viên HĐQT hoặc là giám đốc điều hành của 20 doanh nghiệp trong ngành gỗ. Tuy nhiên, do các vấn đề pháp lý, việc tìm hiểu doanh nhân này có “làm ăn đàng hoàng” hay đã từng lừa đảo gì chưa… thì không thể thực hiện được.

Ông Lâm Văn Bi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đề xuất, năm 2018, các Tham tán thương mại Việt Nam cần tăng cường dự báo nhu cầu hàng hóa tại các nước sở tại, đồng thời, giúp doanh nghiệp xác minh được năng lực của nhà nhập khẩu trước khi thực hiện các giao dịch mua bán, tránh xảy ra các tranh chấp thương mại.