Dân Việt

Chuyện kỳ bí về báu vật của Vua Hàm Nghi

Nguyễn Duyên 27/02/2018 19:00 GMT+7
Để đáp lại sự đùm bọc, giúp đỡ của người dân địa phương và tiên nữ đã "báo mộng", Vua Hàm Nghi đã tặng một đôi voi vàng, một con voi bằng đồng đen, 2 thanh bảo kiếm, hoàng bào cho người dân. Những thứ này được người dân thay nhau trông giữ, bảo quản cẩn thận tới tận hôm nay.

Nhà vua tri ân

Năm 1885, sau khi thất thủ tại Kinh thành Huế, Vua Hàm Nghi được Tướng quân Tôn Thất Thuyết cùng các đại thần “hộ giá” Bắc tiến ra vùng đất Quảng Trị - Quảng Bình - Hà Tĩnh để xây dựng phòng tuyến, củng cố lực lượng chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau gần 2 tháng trèo đèo, lội suối, đoàn xa giá của vua đã đặt chân đến thành Sơn Phòng, dưới chân núi Giăng Màn, thuộc xã Phú Gia (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Biết tin vua về vùng đất Hương Khê, các tướng Phan Đình Phùng (ở huyện Đức Thọ) và Cao Thắng (ở huyện Hương Sơn) đã kéo quân đến gia nhập, giúp vua chống giặc.

img

Cặp voi bằng vàng ròng Vua Hàm Nghi tặng người dân xã Phú Gia. Ảnh: Nguyễn Duyên

Tương truyền, trong khoảng thời gian hơn 3 tháng đóng quân tại thành Sơn Phòng, đêm 20.9.1885, khi Vua Hàm Nghi vừa chợp mắt, có một nữ tiên giáng xuống báo mộng cho vua là quân giặc đang kéo đến. Bừng tỉnh, vua đã rung chuông, tập hợp quần thần lại thông báo giấc mơ của mình với nội dung: "Quân bạch quỷ (giặc Pháp) đang theo kịp chân Trẫm. Việc này do Trẫm định liệu. Nhưng nếu Trẫm còn trú ngụ nơi đây thì muôn dân lành sẽ bị bọn phiến loạn sát hại".

Sau đó, vua đã ban sắc chỉ để ghi công nữ tiên và từ đó đền Trầm Lâm (cách thành Sơn Phòng - nơi vua đóng quân khoảng 1km) có tên đền Muội Thiên Hiện (người con gái trời giáng xuống trần) - đền thờ Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm - như ngày nay. Sau này, thành Sơn Phòng, đền Cộng Đồng, đền Trầm Lâm được tôn tạo, xây dựng thành quần thể di tích Sơn Phòng - Hàm Nghi.

img

Bức tượng Vua Hàm Nghi bằng đồng được đặt tại thành Sơn Phòng, xã Phú Gia. Ảnh: Nguyễn Duyên

Bảo vệ nghiêm cẩn

Ông Phan Đình Trọng - Trưởng Ban quản lý khu di tích Sơn Phòng - Hàm Nghi cho biết: “Trước khi rút vào Quảng Bình, Vua Hàm Nghi đã ban tặng cho người dân xã Phú Gia 2 con voi bằng vàng ròng (1 con 27 chỉ vàng, con còn lại 17 chỉ), một con voi bằng đồng đen, 2 thanh bảo kiếm, hoàng bào của mình, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen.

Tất cả những món đồ do vua ban tặng được nhân dân xã Phú Gia coi như báu vật và từ đó đến nay, họ thay nhau giữ bảo vật. Xung quanh cặp voi bằng vàng ròng có rất nhiều câu chuyện kỳ bí vẫn được người dân nơi đây truyền tụng lại cho đời sau”.

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Phú Gia - cho hay: "Hàng năm, vào mùng 7 tháng Giêng (âm lịch), xã Phú Gia lại tổ chức Lễ hội rước sắc phong Vua Hàm Nghi".

img

Những bảo vật vua ban được người làng thay nhau gìn giữ, bảo vệ. Ảnh: Nguyễn Duyên

Vào ngày này, các bảo vật vua ban sẽ được rước từ ngôi nhà của cố đạo chủ (người được dân làng tin tưởng giao trông coi và bảo vệ bảo vật) ra di tích Sơn Phòng - Hàm Nghi để làm lễ, rồi được rước tới nhà bàn giao cho tân cố đạo chủ. 

Cứ 2 năm một lần, Ban quản lý khu di tích và chính quyền địa phương lại họp bàn để tuyển chọn tân cố đạo chủ. Tiêu chuẩn của tân cố đạo chủ phải là những người trên 65 tuổi, trú tại xã Phú Gia, có học thức, am hiểu về lễ tế, lịch sử hình thành của di tích, có uy tín với bà con nhân dân, đạo đức, gia phong phải nền nếp.

Ông Lê Khắc Tùng (64 tuổi) - cố đạo chủ đã 3 lần được tín nhiệm cử gìn giữ bảo vật - kể, ngày trước những đạo chủ trong nhiệm kỳ giữ bảo vật luôn phải giữ mình được thanh khiết, nghĩa là đến bữa phải ăn riêng, ngủ riêng, không được ngồi chung mâm với mọi người trong gia đình. Nhưng hiện nay luật lệ đó không duy trì nữa.

img

Lễ rước bảo vật Vua Hàm Nghi từ nhà cố đạo chủ đến nhà tân cố đạo chủ. Ảnh: Nguyễn Duyên

Ông Trần Kim Khả - Trưởng ban tế tự, Ban quản lý quần thể di tích thành Sơn Phòng - Hàm Nghi nói, trước đây, trong thời kỳ chiến tranh đói kém, do lòng tham, một cố đạo được giao lưu giữ bảo vật đã trộm một con voi vàng nặng 27 chỉ, mang sang Lào đổi lấy 10 con trâu. Sau khi đổi xong, trên đường dắt trâu trở về, khi đến chân núi Chân Trụ (xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê), người này bị trâu húc chết, còn những người trong gia đình toàn gặp chuyện tai ương. Một thời gian sau, người nhà cố đạo chủ này vì sợ quá đã chuộc lại và đưa voi vàng đến đền Trầm Lâm để trả lại.

Để lưu giữ được các báu vật của Vua Hàm Nghi cho tới ngày nay, đặc biệt là cặp voi vàng, người dân xã Phú Gia nhớ tới công lao của cố đạo chủ Phan Đình Dơn. Ông Dơn là người có công cất giữ báu vật này trong hơn 14 năm (từ 1968 đến 1984).

“Thời đó, ông Phan Đình Dơn được xã giao cho lưu giữ báu vật của vua. Để che mắt bọn trộm cắp, ông Dơn đã đục lỗ trên cột nhà để cất giữ báu vật. Dù đói kém, nhiều kẻ xấu mang trâu và lúa gạo tới gạ đổi cặp voi vàng nhưng ông Dơn nhất quyết khước từ” - ông Khả cho hay.

Ngoài những câu chuyện kỳ bí được đồn đại về cặp voi vàng, quần thể di tích Sơn Phòng - Hàm Nghi còn có chiếc giếng không đáy nằm trong khuôn viên Đền Trầm Lâm. Màu nước ở đây thay đổi theo mùa nhưng mực nước không bao giờ thay đổi dù mùa nắng hạn hay mưa lũ. Đặc biệt, giếng có rất nhiều cá, ở sông suối có loại cá nào thì ở giếng đều có loại cá đó. Từ trước đến nay chưa ai đo được độ sâu của giếng nước này.

img

Giếng nước không đáy trong khuôn viên Đền Trầm Lâm thuộc khu di tích thành Sơn Phòng - Hàm Nghi. Ảnh: Nguyễn Duyên

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Võ Văn Trình - Trưởng phòng Văn hóa huyện Hương Khê - cho biết: "Những câu chuyện kỳ bí về cặp voi vàng và các báu vật của Vua Hàm Nghi chỉ được người dân truyền miệng lại chứ không có ghi trong sử sách. Đến nay, cũng chưa ai xác thực được độ chính xác của những câu chuyện này. Có thể, đó là những câu chuyện hư cấu của các cố đạo chủ và người dân địa phương để răn đe tà tâm của những kẻ muốn chiếm đoạt báu vật".