Người dân và du khách thích thú đến "đỏ mặt" khi theo dõi lễ hội Linh tinh tình phộc.
Vừa qua, “Lễ hội Trò Trám” hay còn gọi là lễ hội Linh tinh tình phộc diễn ra tại miếu Trò (còn gọi là miếu Đụ Đị), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách thập phương. Lễ hội này được tổ chức thường niên vào đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 âm lịch hằng năm.
Thực hiện phần chính của lễ hội vào lúc 00h đêm ngày 11, chủ tế sẽ lấy từ hòm thiêng bên trong chứa sinh thực khí của nam (Nõ) và sinh thực khí của nữ (Nường) rồi cụ trao cho cặp vợ chồng đã được ban tổ chức lựa chọn và thực hiện nghi thức.
Khi chủ tế yêu cầu tắt đèn, hô khẩu lệnh "linh tinh tình phộc" và người nam dùng nõ đâm "phộc" vào nường. Tổng cộng ba lần như thế trong đêm tối, chủ tế nghe cạch đủ ba tiếng thì cho mở đèn trở lại, phút ấy gọi là phút thiêng. Dân làng quan niệm nếu đâm trúng 3 lần thì năm đó âm dương hòa hợp, cây cối xanh tươi, mùa màng tươi tốt.
Theo các cụ cao niên trong làng cho hay, người được chọn làm lễ trước đây phải là trai chưa vợ, gái chưa chồng, con nhà khá giả, gia giáo nhưng ngày nay vì thanh niên thẹn thùng nên thường chọn các cặp vợ chồng đã có con cái để làm lễ.
Ngoài lễ hội Linh tinh tình phộc, lễ hội rước "của quý" tại Ná Nhèm (tiếng Tày, nghĩa là mặt nhọ) là lễ hội truyền thống hết sức đặc sắc của người Tày ở khu vực cửa đình Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng cũng khiến người theo dõi phải "đỏ mặt".
Sinh thực khí có kích thước "khủng" nhất Việt Nam tại lễ hội năm 2016 (Ảnh: Triệu Quang).
Tàng thinh được làm từ gỗ nghiến, nặng khoảng 80kg với hình dáng giống bộ phận sinh dục của nam giới.
Mỗi năm kể từ 2012, mẫu sinh thực khí (hay còn gọi là tàng thinh) được thay đổi chỉnh sửa dần nhưng vẫn chưa bắt mắt, tới năm 2016 mẫu lễ vật gây tranh cãi ồn ào trong dư luận và truyền thông. Kích cỡ táo bạo và màu sơn hồng bị chê trách là bắt chước lễ hội “rước của quý” của Nhật Bản.
Trước đó, ngày 14.4 âm lịch hàng năm, tại Đền thờ bà chúa Muối thuộc làng Quang Lang, xã Thụy Vân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình sẽ diễn ra lễ hội "ông Đùng, bà Đà". Lễ hội là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng muối về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào.
Cụ thể, sáng sớm ngày 14.4, các thôn mang hình nộm ông Đùng bà Đà vào đền thờ bà Chúa Muối để tiến hành các nghi thức lễ dâng hương nghiêm trang, thành kính, sau đó diễu hành rước Chúa. Đoàn rước gồm hàng nghìn người ăn mặc chỉnh tề, mang theo cờ Tổ quốc, tượng Bác Hồ, kiệu Thánh, kiệu Mẫu, có cả các đội múa lân, múa rồng, đội mõ, trống phách theo sau…đi vòng quanh làng, kéo dài mấy cây số. Tại tất cả đầu ngõ, người dân đều bày lễ trên bàn cao để cúng vọng cầu Chúa phù hộ một năm làm ăn may mắn.
Đền bà Chúa Muối.
Sau đó, người dân làng quây kín trước cửa đền để xem người lớn vào vai ông Đùng bà Đà, trẻ con đóng Đùng con cùng nhảy múa. Khi múa, các hình nộm lúc thì nghiêng ngả, hết quay sang phải rồi lại quay sang trái, cho ông bà có cơ hội bày tỏ tình cảm với nhau. Các vai ông Đùng bà Đà phải phối hợp sao cho có những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người làng Quang Lang giải thích: đó là lúc ông bà "ăn nằm" với nhau.
Trong lúc múa, người ta xướng vang những câu ca tụng công đức của bà Chúa Muối như: "Lạy chúa! Muối của Chúa năm nay được mùa lắm! Lạy Chúa, lạy Chúa!". Sau đó, đoàn múa rời sân đền đi một vòng quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quanh bố mẹ. Dân làng nhộn nhịp theo sau, vừa đi vừa hát múa. Khi đoàn rước Đùng quay trở lại sân đền cũng là lúc phá Đùng, dân làng vội vã xô nhau vào để lấy một nan tre trên thân hình nộm ông bà. Tất cả mọi người ở Quang Lang đều quan niệm: nếu ai may mắn lấy được nan tre đem về gối đầu giường thì các cháu nhỏ ngủ khỏi giật mình, không bị bệnh tật, cắm vào ruộng, vườn thì cho cây sai quả, mang lên trên thuyền đi ra khơi thì sẽ đánh bắt được nhiều tôm cá….