Dân Việt

“Nghèo hoá” khi bão tan, lũ rút

Hữu Anh - Vi Định 27/02/2018 16:33 GMT+7
Thời gian qua nước ta đang phải hứng chịu hàng chục cơn bão, lũ lụt, úng ngập, hạn hán... Sau mỗi đợt thiên hai, có hàng nghìn, hàng chục nghìn hộ mất trắng tài sản, nhà cửa, người giàu cũng thành “vô sản”, người nghèo càng nghèo hơn. Nghèo hoá do thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng khi tình trạng biến đổi khí hậu mỗi lúc thêm nặng nề...

Hàng năm, cứ sau mỗi đợt mưa lũ, vùng cao Tây Bắc ước tính lại có hàng trăm hộ nông dân rơi vào cảnh tay trắng, kiệt quệ. Có không ít hộ vừa thoát nghèo lại tái nghèo vì nhà cửa và tài sản bị nước lũ cuốn trôi.

Trắng tay vì lũ, lụt

Sơn La là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc, là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao. Cái nghèo càng trở nên đáng sợ hơn với người dân nơi đây mỗi lần thôn bản phải đối mặt với mưa bão, lũ lụt. 

Trận lũ lịch sử ở xã Nậm Păm (Mường La) đã đi qua nhưng vẫn còn đó những đau thương mất mát, vợ mất chồng, con mất bố, cha mẹ mất con…  Không dừng lại ở đó, những nạn nhân bị ảnh hưởng từ trận lũ, trước đây vốn đã khó khăn nay lại phải đối diện cái nghèo đeo bám dai dẳng hơn. Gia đình chị Lường Thị Hiểu ở bản Hua Nậm (Nậm Păm) bỗng chốc tay trắng, cơn lũ kinh hoàng ngày 3.8 vừa qua đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và tài sản, 4 mẹ con chỉ kịp chạy lấy người. Chị Hiểu tâm sự: “Nhà không còn nữa, ruộng lúa, trâu bò, lợn, gà… đều bị nước lũ cuốn trôi hết. Cơn lũ đi qua, tài sản của gia đình tôi không còn một thứ gì...”.

Trước lũ, gia đình chị Hiểu thuộc diện hộ cận nghèo trong xã và đang được các cấp chính quyền hỗ trợ để thoát nghèo. Ấy thế mà chỉ sau một cơn đại hồng thủy ập về đã đẩy gia đình chị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

img

 Nhà bị bão số 10 quật đổ, ông Lê Văn Thành ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh phải dựng lều tạm để ở.   ảnh: Hữu Anh

Trước trận lũ ngày 3.8 vừa qua, gia đình ông Lò Văn Tọ ở bản Hốc (Nậm Păm) có cuộc sống khá giả. Ông Tọ năm nay đã ngoài 60 tuổi, có 4 người con trai đều đã lập gia đình, trong đó có 3 người con ra ở riêng và đều có nhà cửa kiên cố, cuộc sống no đủ. Thế nhưng nhà cửa và tài sản của 3 người con ông Tọ chỉ trong chốc lát đều bị nước lũ cuốn trôi. Gia đình 3 người con lại trở về ở chung với ông, căn nhà trở nên chật chội. Họ phải đi làm thuê kiếm sống

Ông Lò Văn Cẩn - Chủ tịch xã Nậm Păm cho biết, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 41,49% số hộ của xã. Năm nay số hộ bị thiệt hại do thiên tai bão lũ tăng cao. “Chắc chắn tình trạng tái nghèo sẽ tăng lên, vì có thêm nhiều gia đình cận nghèo hay vừa thoát nghèo lại rơi vào cảnh trắng tay trắng” – ông Cẩn lo lắng.

“Nghèo bền vững” vì ảnh hưởng thiên tai

Theo thống kê, huyện Mường La có 416 hộ gia đình bị thiệt hại hoàn toàn về nhà cửa và tài sản trong đợt mưa lũ vào đầu tháng 8 vừa qua. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 48,26%. Sau mưa bão đã có thêm 93 hộ tái nghèo. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên do có nhiều hộ bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa và tài sản.

Bão số 10 quét qua (giữa tháng 9.2017), nhiều làng quê ở Hà Tĩnh tan hoang, đặc biệt đối tượng bị sập nhà thiệt hại nặng trong bão đều rơi vào các hộ nghèo. Cơn bão đổ bộ  không chỉ làm người dân vùng biển bị thiệt hại nặng mà ngay cả xã miền núi như ở Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh cũng đổ nát, tan hoang. Những đồi cây bạch đàn, cây keo của người dân trồng bị gió bão quật đổ san sát, những bụi tre bị bật gốc chỏng chơ la liệt bên đường.

Anh Nguyễn Tất Chiến (30 tuổi) ở thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng, cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng lấy nhau được gần 6 năm và đã có 3 đứa con. Nhờ dành dụm và vay mượn thêm tiền, tôi làm được một căn nhà nhỏ đủ ở. Vừa rồi bão số 10 đã cuốn đi tất cả, nhà cửa đổ sập, cây cối tan hoang, nghèo vẫn hoàn nghèo. Nếu cứ làm được bao nhiêu bão lụt phá bấy nhiêu thì dù có làm ăn chăm chỉ cũng khó mà thoát được nghèo”.

Không chỉ hộ nghèo bị ảnh hưởng, nhiều gia đình được coi là khá giả cũng “nghèo hoá” chỉ sau một đêm. Ông Nguyễn Tá Quý (SN 1957), trú thôn Tiến Thượng, xã Kỳ Thượng, từng được xem là khá giả nhờ trồng rừng, vậy nhưng cơn bão số 10 vừa qua đã cướp đi công sức gây dựng suốt 15 năm của gia đình ông. “Gần 1.000 cây dó trầm 15 năm tuổi, 400 cây mỡ, 1ha keo tràm, 200 cây bưởi… bay theo bão, chưa thu được gì mà coi như mất trắng. Gia đình tôi lại đối diện với cái nghèo, cái đói”- ông Quý than thở.

Ông Vũ Trung Tiến - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết: “Cơn bão số 10 vừa qua làm 75 căn nhà bị sập, trong đó có 25 nhà bị sập hoàn toàn. Số nhà bị tốc mái lên đến hơn 1.800. Thiệt hại nặng nhất sau bão thường rơi vào những gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo”.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Sỹ Huyên- Bí thư, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà TĨnh) cho biết, toàn xã có 2.800 hộ thì có 350 hộ nghèo, 179 hộ cận nghèo. Ảnh hưởng cơn bão số 10, trên địa bàn xã có hơn 1.300 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 500 nhà bị sóng biển tràn vào gây thiệt hại và 8 nhà bị sập hoàn toàn. “Những hộ thiệt hại nặng rất may được nhà nước hỗ trợ và các đoàn từ thiện về trực tiếp trao tặng tiền nên đã sửa chữa xong nhà ở. Nhưng về lâu dài, đời sống người dân chịu ảnh hưởng nặng nề vì không đi biển được, các hộ nghèo lại khó thoát được nghèo”.