Ngày 27.2 vừa qua, Công ty tư vấn ADPi Engineering (Pháp) đã đề xuất phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam. Ngay sau đó, có nhiều ý kiến cho rằng đề xuất mở rộng sân bay chưa phù hợp với tình hình thực tế của khu vực, nếu thực hiện sẽ gây áp lực nặng nề cho thành phố.
Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, thành phố sẽ chịu mất nhiều hơn được khi mở rộng sân bay theo đề xuất của Công ty tư vấn ADPi Engineering. Ông phân tích, hiện khu vực phía nam sân bay Tân Sơn Nhất đang là một trong những khu vực kẹt xe trầm trọng bậc nhất thành phố. Các tuyến đường: Cộng Hòa, Trường Chinh, vòng xoay Lăng Cha Cả và các đường lân cận thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Nếu mở rộng sân bay về hướng này thì kẹt xe sẽ càng nặng hơn và kéo theo đó là nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
“Bình thường tại khu vực sân bay này đã kẹt xe nặng như vậy rồi, nếu mở rộng sân bay về hướng này thì đẩy vấn nạn kẹt xe đến đâu nữa đây? Tôi cho rằng mở rộng sân bay về hướng nam thì gần nhà ga, kết nối với nhà ga thuận lợi, nhưng chỉ có lợi cho hàng không chứ thành phố sẽ gặp áp lực nặng nề, bế tắc hơn với kẹt xe, ô nhiễm môi trường, thoát nước…”, ông Sanh nói.
Kẹt xe kéo dài tại khu vực Lăng Cha Cả - cửa ngõ phía nam sân bay Tân Sơn Nhất.
TS. Phạm Sanh cho biết thêm, khi đề xuất mở rộng sân bay về hướng nam, có thể các đơn vị đã tính tới việc làm đường song hành với đường Cộng Hòa, nhưng điều này chưa đủ để giải quyết ùn tắc cho khu vực. Khi đó các nút giao như Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý, Lăng Cha Cả sẽ lại là những nút thắt gây kẹt xe trầm trọng hơn. Chưa kể việc làm đường song hành này không hề dễ khi mật độ xây dựng, các khu dân cư tại đây đang dày đặc. Theo quan điểm của ông, việc mở rộng sân bay nên về hướng bắc bởi khu vực này đất còn rộng, các tuyến đường giao thông kết nối cũng dễ dàng hơn.
Theo PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống (Đại học Bách khoa TP.HCM), thành viên nhóm chuyên gia cố vấn phương án mở rộng Tân Sơn Nhất do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thành lập, quan điểm nhất quán của nhóm tư vấn và TP.HCM là mở rộng về phía bắc. Cả hai phương án nhóm đưa ra (giữ nguyên hai đường băng hiện hữu và xây dựng đường băng thứ 3) đều mở rộng về hướng này.
Theo PGS – TS. Nguyễn Thiện Tống, đề xuất mở rộng sân bay về hướng nam của Công ty tư vấn ADPi Engineering chưa tính hết vấn đề giao thông kết nối vào sân bay. Hiện khu vực phía nam thành phố đang chịu cảnh ùn tắc, nếu mở rộng về hướng này kẹt xe càng trầm trọng thêm. Nhưng nếu mở rộng về phía bắc sẽ giải tỏa được bài toán ùn tắc khi một lưu lượng lớn khách đi vào phía bắc, không thông qua trung tâm thành phố ở phía nam.
Một góc sân golf ở phía bắc bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Một số ý kiến cũng cho rằng, trong khi dự án xây dựng sân bay Long Thành chưa được khởi động, thì sân bay Tân Sơn Nhất vẫn là đầu mối vận chuyển hành khách quan trọng. Công suất sân bay hiện đạt 37 triệu hành khách/năm, mỗi năm trung bình tăng 10%/năm. Do đó dự báo của Công ty tư vấn ADPi Engineering đến năm 2025 sân bay Tân Sơn Nhất có thể đạt sản lượng khai thác 50 triệu hành khách là chưa thực tế, số lượng hành khách có thể tăng cao hơn nhiều với khoảng 70 triệu hành khách/năm.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, rất cần thiết phải nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó cần thu hồi sân golf Him Lam (ở phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất) để có mặt bằng thực hiện. “Trong trường hợp mở rộng sân bay về hướng bắc, áp lực giao thông ở khu vực sân bay sẽ giảm. Với hướng này, việc nâng cấp mở rộng các đường Phạm Văn Bạch, Tân Sơn kết nối ra Quốc lộ 1A sẽ dễ dàng hơn. Khi đó một lượng lớn phương tiện ra vào sân bay không phải qua trung tâm thành phố, nơi đang được xem là điểm nóng về ùn tắc giao thông”, một chuyên gia nêu.