Cách đây 55 năm, vào mùa thu năm 1956, tại hội trường 19 Lê Thánh Tông (Hà Nội), một khoa chuyên ngành khoa học cơ bản với tên gọi khoa Xã hội thuộc Trường Đại học Tổng hợp ra đời. Trải qua rất nhiều lần tách, nhập với nhiều tên gọi khác nhau, đến nay được gọi là khoa Văn học.
Có thể nói khoa Văn học là một trong những khoa lớn nhất, có truyền thống lâu dài nhất trong Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), theo lời giảng viên Trần Hinh - chủ nhiệm bộ môn Nghệ thuật học của khoa nhận xét: “Khoa Văn học gần như tượng đài của nền văn chương Việt Nam”.
Hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp từ đây đã và đang làm việc ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, các nhà xuất bản, các cơ quan truyền thông, báo chí, phát thanh và truyền hình, các cơ quan quản lý văn hoá và nghệ thuật.
Trong số đó nhiều người đã trở thành chính trị gia, giảng viên, giáo sư, các nhà khoa học, nhà báo nổi tiếng như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng là cựu sinh viên của khoa tại niên khoá 1963-1967, GS Phan Cự Đệ, GS Cao Xuân Hạo, GS Đinh Gia Khánh…
Khoa Văn học còn là chiếc nôi đào tạo và trưởng thành của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi như: Nhà văn Đặng Thai Mai, nhà văn Phan Tứ, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Bùi Minh Quốc… hay như những cây bút nữ đang có “thương hiệu” trên văn đàn như Mai Hương, Tôn Phương Lan, PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái, Bích Thu, Lý Hoài Thu, nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ…
Ngoài ra, khoa Văn học còn xây dựng nhiều chương trình hợp tác có hiệu quả với các tổ chức, trung tâm văn học, nghệ thuật lớn trên thế giới như Trường ĐH Lômônôxốp (Nga), ĐH Paris VII (Pháp), ĐH Hum-bôn (Đức), ĐH Tokyo, Ôsaka (Nhật Bản)… Khoa còn là một trung tâm nghiên cứu văn học, Hán nôm và nghệ thuật học với một hệ thống giáo trình, sách chuyên đề, chuyên luận có quy mô và chất lượng…
Khoa Văn học đã trải qua 55 năm nghiên cứu và giảng dạy văn chương, tuy chặng đường chưa phải là dài nhưng qua những tháng năm xây dựng và trưởng thành, với truyền thống nhân văn tốt đẹp, khoa Văn học luôn là một “mái nhà văn chương” thu hút được lòng tin yêu của những người hoạt động văn học trong toàn quốc.
Thanh Hà