Dân Việt

Đãi cả nhà mâm cơm Tết Nguyên Tiêu thật ngon và hoành tráng

Nghĩa Nguyễn 01/03/2018 18:55 GMT+7
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu thường rất được chú trọng. Dù giản dị hay cầu kì thì mâm cơm vào ngày này nhất phải thể hiện được đầy đủ tấm lòng của con cháu đổi với tổ tiên.

img

Bắp bò ngâm mắm

Rửa sạch một miếng bắp bò khoảng 1.3 kg sơ qua nước lạnh có pha chút muối. Dùng dây cột tròn lại, luộc sơ qua nước sôi khoảng 3 phút rồi rửa lại nước lạnh một lần nữa.

Nấu 1 nồi nước cùng với sả và hành tây, ½ muỗng cà phê muối và lá chanh, nước sôi cho thịt vào luộc khoảng 30-45 phút cho thịt chín.  Khi thịt chín thì vớt thịt ra cho ngay vào thau nước lạnh có vài cục đá và 1 thì cà phê nước cốt chanh, ngâm 2-3 phút sau đó vớt thịt ra để ráo. Để thịt thật nguội.

img

Cho 500ml nước mắm, 400gr đường, 100ml nước lạnh, 50ml giấm vào nồi hòa tan, bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ cho tới khi sôi lăn tăn thì tắt bếp để nguội. Xếp thịt vào hũ, cho ớt thái lát hoặc nguyên trái, thêm vài củ hành khô, tỏi, sả, tiêu vào. Để 4-5 ngày là có thể ăn được.

Nem gà

Thịt gà, thịt heo xay nhỏ theo tỉ lệ 1:1, ướp một chút gia vị gồm nước mắm, tiêu, mì chính. Miến, mộc nhỉ, nấm hương rửa sạch, thái nhỏ. Củ đậu, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch thái sợi nhỏ. Hành khô đập dập, hành hoa thái nhỏ. Trộn đều tất cả nguyên liệu rồi cho 1,2 quả trứng vào âu trộn đều.

Bánh đa nem cắt làm đôi, cho nhân vừa rồi cuộn đều, chắc tay. Đun sôi dầu, cho nem vào rán vàng đều 2 mặt.

img

Giò lụa

Giò lụa mua sẵn rồi cắt hình tùy thích, có thể trang trí như hình. Tỉa cà rốt thành hoa 5 cánh, sử dụng dưa chuột để làm bình hoa.

img

Bánh tét

Đỗ xanh ngâm nở, đãi sạch rồi cho vào nồi hấp chín, khi đỗ chín rồi thì dùng thìa tán nhuyễn, trộn với một chút tiêu và muối. Ba chỉ rửa sạch, để ráo, cắt miếng hơi to, ướp với một chút gia vị.

Gạo nếp vo sạch, ngâm nước để qua đêm rồi vớt ra để ráo, có thể cho thêm 1 chút lá dứa để màu bánh được đẹp hơn. Xếp 2 miếng lá chuối chồng lên nhau, cho gạo nếp vào, trải dài đều, cho nhân vào cuối cùng phủ nếp lên. Gấp 2 mép lá chuối lại, nắn đều tay cho tròn đều, gói 2 đầu bánh và cột dây thật chặt.

img

Nấu 1 nồi nước sôi, cho bánh vào luộc 1 tiếng. Vớt bánh ra, thay 1 nồi nước mới. Lại nấu sôi rồi mới cho bánh vào luộc 7 tiếng. Khi luộc, thấy nước hơi cạn có thể cho thêm nước sôi vào. Bánh chín, rớt ra để ráo, lau khô bề mặt bê ngoài, để chỗ thoáng mát.

img

Canh nấm kim châm

Mấm rửa sạch, để ráo, cà rốt gọt vỏ, tỉa hoa. Nên sử dụng nước dùng gà để canh được ngọt hơn. Khi thấy nước canh sôi thì cho nấm và cà rốt vào, nêm lại gia vị cho vừa miệng.

img

Su hào xào thập cẩm

Su hào, cà rốt gọt vỏ, nấm hương, mộc nhỉ ngâm nở rửa sạch, thái chỉ. Giò lụa thái sợi, hành hoa và rau mùi rửa sạch cắt khúc ngắn. Phi thơm hành khô, cho giò vào xào trước rồi cho tất cả nguyên liệu trên vào sau, đảo đều cho đến khi chín tới, nêm lại gia vị, nước mắm cho vừa miệng. Rắc thêm chút hạt tiêu và trang trí cho đẹp mắt.

img

Hành muối

Hành củ đem ngâm một ngày một đêm trong nước vo gạo, nước tro bếp hay nước pha phèn chua có thêm chút muối cho độ mặn vừa phải sau đó lại thay bằng nước lã pha muối ngâm thêm một ngày để hành trắng và giòn. Tiếp tục đem hành ra bóc bớt vỏ già bên ngoài để lộ phần vỏ trắng của hành, cắt bỏ rễ, rửa lại trong nước pha muối, để ráo nước trước khi cho vào vại muối.

Đun sôi nước, pha muối theo một tỷ lệ nhất định (thường mỗi lít nước khoảng 50gr muối), chút đường trắng, nếu muốn chua nhanh có thể cho thêm rượu trắng hoặc giấm. Để nước nguội bớt trước khi muối hành.

img

Hoa quả tráng miệng

Xếp hoa quả hình con bướm, thêm thân bằng miếng táo có khía đường ngang, râu là vỏ táo xanh.

Gợi ý mâm cỗ và bài khấn cúng rằm tháng Giêng cực chuẩn

Mâm cơm cúng ngày rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các vị trong ẩm thực.