Dân Việt

Becamex Quân Đoàn 4 sắp giải thể, HLV đòi VĐV 100 triệu đồng

Anh Đức 05/03/2018 14:20 GMT+7
Kể từ sau khi vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2017 kết thúc, Becamex Quân Đoàn 4 chưa hội quân, các VĐV người thì ra đi, người thì “đói dài” khi đến nay cũng chưa nhận được bất kỳ khoản tiền lương nào theo cam kết như trong hợp đồng. Không những vậy, để có thể thanh lý và được trả thẻ, nhiều cầu thủ còn đang mắc kẹt bởi khoản tiền 100 triệu đồng mà HLV trưởng Phạm Chiến Thắng đưa ra.

Ngày 27.2 vừa qua, theo lịch hẹn chủ công Lâm Văn Sanh và chuyền hai Trần Hoài Phương đến để thanh lý hợp đồng. Nên nhớ, Hoài Phương là VĐV được đào tạo năng khiếu từ đội bóng Quân Khu 7, còn Văn Sanh là cầu thủ phong trào đều không có xuất phát điểm ban đầu từ Quân Đoàn 4 nhưng có ký hợp đồng đào tạo nhưng hết hiệu lực từ 2016. Tuy nhiên, sau khi đến nơi, cả Văn Sanh và Hoài Phương đều ngỡ ngàng vì HLV trưởng Phạm Chiến Thắng đã trả lời rằng: “Muốn thanh lý và trả thẻ thi đấu cho CLB khác thì mỗi VĐV phải nộp một khoản chi phí 100 triệu đồng.”

img

Các VĐV của Quân Đoàn 4 vẫn mắc kẹt dù không có chế độ.

Không tập luyện, cũng không có chế độ, khi đã hơn 2 tháng kể từ khi vòng 2 giải VĐQG 2017 kết thúc nhưng các VĐV Quân Đoàn 4 vẫn nằm dài chờ đợi. Người kết thúc hợp đồng như Thành Hạc, Hoàng Thương đã chính thức ra đi, người còn lại thì thoi thóp khi hết tháng 2.2018 họ vẫn chưa nhận được một khoản tiền nào theo đúng trong điều khoản hợp đồng. Cũng giống như trường hợp của Văn Sanh và Hoài Phương, HLV Phạm Chiến Thắng ngã giá Sanest Khánh Hòa 100 triệu để đổi lấy phụ công Đình Nhu. Tuy nhiên, sau khi nhờ đến luật sư can thiệp, Đình Nhu đã trở thành VĐV tự do khi không phải trẻ bất kỳ khoản chi phí nào vì đội bóng Quân Đoàn 4 đã vi phạm hợp đồng.

Theo kế hoạch đến ngày 6.3 tới đây, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ tiến hành bốc thăm chia bảng giải bóng chuyền VĐQG 2018. Như vậy, dù có muốn hay không không muốn thì số phận của đội bóng Quân Đoàn 4 khi đó sẽ được định đoạt. Nhiều người cho rằng, với lực lượng và tài chính như hiện tại, việc Quân Đoàn 4 giải thể cũng chỉ còn là thời gian. Nếu đội bóng này giải thể đồng nghĩa các VĐV sẽ được tự do. Việc cố tình kéo dài như hiện nay thực tế cũng chỉ là nằm im chờ đợi việc mua bán, chuyển nhượng cầu thủ còn lại.

Xét trên quy định hợp đồng hay lợi ích kinh tế, một số VĐV đến với Quân Đoàn 4 chỉ là hợp đồng lao động theo giao ước thông thường, không qua đào tạo trẻ. Có nghĩa là khi người sử dụng lao động không còn đủ khả năng tài chính để chi trả, đồng nghĩa người lao động có quyền đơn phương chấm rứt hợp đồng để ra đi.