Dân Việt

Trồng vừng, đừng bỏ mặc!

13/11/2011 05:11 GMT+7
(Dân Việt) - Cây vừng (mà bà con phía Nam gọi là cây mè) là một loại cây trồng rất có giá trị nhưng lại ít được quan tâm. Ngay cả khi chúng ta trồng nó xuống, ta cũng thường bỏ mặc, có khi còn quên hẳn cho tới tận lúc thu hoạch!

Giá trị của cây vừng đôi khi chúng ta không đánh giá hết. Tôi còn nhớ trong bữa cơm của gia đình, dù có đủ các loại thức ăn, cha tôi vẫn luôn luôn đòi cho ông ăn vừng và gừng tươi. Ông coi chúng như những vị thuốc. Tuy làm việc ngày đêm nhưng ông cũng thọ tới 98 tuổi.

img
Vừng là cây dễ trồng trên nhiều loại đất.

Các nhà khoa học cho biết, hạt vừng chứa tới 45-54% chất béo và 16-18% chất đạm. Rõ ràng, nó là loại thực phẩm cao cấp. Đối với nhiều người, nó bổ hơn thịt vì nó được coi là đạm thực vật. Vừng dễ tiêu mà lại cho năng lượng cao. Nó dễ bảo quản hơn các loại dầu thực vật khác. Người ta dùng vừng làm thực phẩm, làm bánh kẹo, ép lấy dầu. Khô dầu vừng được dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân bón cao cấp cho các loại cây trồng quý.

Vừng rất dễ trồng. Ở đâu cũng trồng được vừng. Ngay cả các vùng đất xấu không thể trồng được các loại cây khác thì vừng vẫn mọc được. Nó kỵ nhất là bị ngập, úng. Ta tránh những vùng đất thấp, đất không thoát được nước. Đất đồi gò, vừng cũng mọc được vì nó chịu hạn khá tốt do có rễ cọc. Tuy nhiên, đất cát pha, giàu dinh dưỡng và có pH,5-8.0 là tốt nhất. Tránh vùng đất nhiễm mặn.

Rất nhiều nước trồng vừng (như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Mexico, Sudan, Colombia...) nhưng ít nơi cho nó hưởng chế độ chăm sóc tốt nhất. Phần nhiều, người ta trồng nó theo kiểu quảng canh. Vì vậy, năng suất vừng chỉ đạt 0,3-0,4 tấn/ha. Ở Việt Nam, đạt khoảng 0,5 tấn/ha. Nhưng Trung Quốc đạt 1 tấn/ha và Mỹ đạt tới 2 tấn/ha. Tôi vào ĐBSCL và được bà con cho biết, ở các bãi sông, bà con có thể đưa năng suất vừng lên gần 1,5 tấn/ha. Rõ ràng, đất tốt vẫn hay hơn!

Hiện nay, bà con ta chủ yếu dùng các giống vừng của địa phương. Nó thích ứng tốt nhưng năng suất không cao. Ta có thể chọn giống vừng V6. Đó là giống nhập nội, có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và có khả năng thích ứng rộng. Có nơi đã đưa năng suất của nó lên tới 1,6 tấn/ha.

Ở phía Bắc, vụ hè chỉ cần 75-80 ngày và vụ xuân cần 80-90 ngày là được một vụ vừng V6. Bà con có thể bố trí luân canh nó với lúa và các loại cây trồng khác. Nhược điểm chính của V6 là kháng bệnh béo xanh do vi khuẩn kém. Do đó, phải chọn giống sạch bệnh và luân canh triệt để.

Ở phía Nam, ta còn có nhiều giống vừng tốt như: Mè vừng Châu Phú (An Giang), mè đen Đồng Nai, mè đen Thốt Nốt (Cần Thơ), mè đen Trà Ôn (Vĩnh Long), mè vừng Bình Minh (Vĩnh Long)... Ta cần hết sức coi trọng tiêu chuẩn của hạt giống: Phải có độ thuần cao, không lẫn giống khác, sạch bệnh, mẩy, vỏ sáng, tỷ lệ nẩy mầm tốt...

Tùy từng vùng mà chúng ta xây dựng công thức luân canh. Tránh để vừng mọc vào thời gian rét hoặc mưa nhiều.

Nếu sát vụ, ta có thể sạ chay (không cần làm đất): Ta dọn sạch, rải rơm đều trên ruộng rồi đốt. Sau đó, cho nước vào cho đất đủ ẩm và gieo hạt vừng.

Nếu làm đất được thì tốt hơn rồi lên luống rộng 1,5-2m. Nhớ bón lót khoảng 5-10 tấn phân chuồng và 300kg NPK (20-20-15). Sau gieo cần tỉa bớt cây, làm cỏ, xới đất. Nếu đất quá hạn, nên tưới bổ sung thêm 4-5 lần. Vụ nào còn đất trống, bà con rất nên xen thêm cây vừng.