Đợt cúm đầu tiên của đại dịch 1918 xảy ra vào mùa xuân tương đối nhẹ với số ca tử vong thấp. Người bệnh chỉ có những triệu chứng điển hình của cúm như sốt, rét run, mệt mỏi và thường bình phục sau vài ngày.
Tuy nhiên đợt cúm thứ hai vào mùa thu cùng năm đó lại nghiêm trọng và lây lan mạnh. Chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày sau khi có triệu chứng, da bệnh nhân chuyển sang tái xanh, phổi chứa nước khiến họ ngạt thở.
Nhiều yếu tố góp phần gây đại dịch
Cho đến nay người ta vẫn chưa biết chính xác chủng vi rút cúm gây ra đại dịch 1918 đến từ đâu, tuy nhiên đầu tiên dịch được quan sát ở châu Âu, nước Mỹ và vài vùng của châu Á trước khi lan đến hầu như những phần khác của thế giới trong vòng vài tháng. Bất chấp sự thật là đại dịch cúm 1918 không được cô lập tại chỗ, người ta vẫn quen gọi đó là cúm Tây Ban Nha, vì đất nước này bị ảnh hưởng nhiều (ngay cả vua Tây Ban Nha, Alfonso XIII cũng bị cúm). Một công bố trên tạp chí khoa học Clinical Infectious Diseases năm 2008, cho thấy có hơn 260.000 người Tây Ban Nha tử vong vào các năm 1918 – 1919 vì đại dịch, đến nỗi dân số nước này tăng trưởng âm vào năm 1918 (mất 83.121 người).
Điểm bất thường của dịch cúm 1918 là nó giết nhiều người trẻ trước đó khoẻ mạnh – nhóm người bình thường vẫn đề kháng với cúm, trong đó nhiều người tham gia vào Thế chiến thứ nhất. Tại Mỹ, số binh lính Mỹ tử vong vì cúm nhiều hơn cả số binh lính tử vong trong chiến tranh. Ước tính 36% binh lính Mỹ mắc cúm, trong khi con số này trong lực lượng hải quân là 40%. Chính những đoàn quân chen chúc trên tàu thuỷ và xe lửa di chuyển khắp thế giới đã giúp phát tán vi rút chết người này đi khắp nơi.
Biện pháp phòng ngừa cúm cho cộng đồng là chích ngừa vắc xin. Ảnh: TLBY
Số tử vong của cúm Tây Ban Nha thường được ước tính là 20 – 50 triệu người, nhưng cũng có một phỏng đoán khác là 100 triệu nạn nhân. Không ai biết chính xác con số thực, vì ở nhiều vùng bị ảnh hưởng người ta không lưu giữ được hồ sơ bệnh án.
Khi bùng nổ cúm 1918, các bác sĩ và nhà khoa học không chắc chắn về tác nhân gây bệnh và làm thế nào để chữa trị bệnh. Ngoài ra, thời đó chưa có vắc xin hay thuốc chống vi rút hữu hiệu để trị cúm. Chính điều này cùng với tình trạng tập trung đông người ở doanh trại quân đội và các thành phố lớn, cộng với điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng nghèo nàn thời chiến đã khiến số tử vong tăng cao.
Nhiều bí ẩn về vi rút cúm
Theo các nhà sử học, người đầu tiên ghi nhận dịch cúm là Hippocrates khi ông mô tả một loại bệnh đường hô hấp chỉ xuất hiện trong vài tuần lễ vào năm 412 trCN. Nhưng phải mất hơn ngàn năm sau đó và 15 năm sau đại dịch cúm 1918, những hiểu biết ban đầu về vi rút cúm mới được ghi nhận khi Smith và cộng sự phân lập được chủng vi rút cúm A vào năm 1933. Sau đó Francis tìm thấy chủng cúm B vào năm 1939 và Taylor phát hiện chủng cúm C vào năm 1950.
Theo PG.TS.BS Nguyễn Trần Chính, nguyên giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, sự phân biệt ba chủng vi rút A, B, C có liên hệ với mức độ nặng nhẹ của các vụ dịch do chúng gây ra. Vi rút B và C thường chỉ gây bệnh lẻ tẻ ở người trẻ và trẻ em, hoặc những vụ dịch nhỏ khu trú trong tập thể giới hạn (trường học, trại lính) với chu kỳ 4 – 6 năm. Trong khi đó, vi rút cúm A thường gây những dịch cúm nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong thế kỷ 20, ngoài đại dịch năm 1918, còn có ba đại dịch khác vào năm 1957, 1968 và 1977.
Cho đến trước những năm 1990, sau hơn 70 năm nghiên cứu, người ta vẫn không thể trả lời được câu hỏi vì sao đại dịch cúm 1918 nghiêm trọng như thế. Năm 1995, một nhóm nhà khoa học đã nhận diện được vài chất liệu thu thập được từ giải phẫu tử thi một bệnh nhân tử vong thời đó và bắt đầu tiến trình giải mã gien. Nỗ lực này giúp xác định được toàn bộ chuỗi gien của một 1 vi rút và một phần chuỗi gien của 4 vi rút khác, qua đó cho thấy vi rút 1918 là tiền thân của 4 chủng vi rút cúm A người và heo H1N1 và H3N2, cũng như chủng H2N2 “tuyệt chủng”.
H1N1 gây đại dịch 1918 và ba dịch nhỏ 1933 – 1935, 1946 – 1947, 1977 – 1978, H3N2 gây đại dịch trung bình (dịch cúm Hong Kong) 1968 – 1969, còn H2N2 gây đại dịch quan trọng (dịch cúm châu Á) 1957 – 1958. Vì điều này mà trên một bài báo công bố trên tạp chí Emerging Infectious Diseases năm 2006, hai tác giả Jeffery K. Taubenberger và David M. Morens đã gọi cúm 1918 là “bà mẹ của mọi đại dịch”.
Cho dù đến nay cúm không còn xa lạ với nhiều người (ai cũng bị cúm ít nhất một lần trong đời), nhưng y học vẫn còn nhiều điều chưa biết về cúm. PGS Nguyễn Trần Chính cho biết dịch cúm xảy ra hầu hết vào các tháng mùa đông ở các nước ôn đới, nhưng người ta vẫn chưa biết rõ vi rút đã tồn tại ở đâu và thế nào giữa các vụ dịch. Ngoài ra, điều gì làm khởi phát hay kết thúc một dịch cúm chưa được hiểu rõ.
Bình Yên
Ba biện pháp đơn giản để phòng ngừa cúm Theo PGS.TS Nguyễn Trần Chính là: 1) Phát hiện và cách ly sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh cúm khi đang có dịch để tránh làm bệnh lan truyền. 2) Hạn chế sinh hoạt, tụ họp đông đúc trong thời gian dịch bùng phát. 3) Cá nhân nên tránh lao lực mệt nhọc, tránh để bị nhiễm lạnh. Mang khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân để tránh bị lây bệnh hoặc khi nghi ngờ bị bệnh cúm để tránh lây bệnh sang người khác. Khử trùng mũi họng với nước muối, thuốc sát trùng. |