Ngày 19.3 tới, TAND TP.Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ đồng góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Một trong những vấn đề đang được dư luận rất quan tâm là các bị can trong vụ án này đã chủ động nộp lại, khắc phục hậu quả bao nhiêu tiền?
Bị can Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch PVN.
Theo tìm hiểu của PV Dân Trí, cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố bị can Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch PVN, Nguyễn Xuân Sơn - cựu Phó Tổng giám đốc PVN và 4 cựu thành viên HĐQT PVN (Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức) bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính - Kế toán và Kiểm toán PVN bị truy tố về hai tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Cáo trạng cho rằng, bị can Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào OceanBank (OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại với giá 0 đồng).
Bị can Ninh Văn Quỳnh là đồng phạm, giúp sức với vai trò là người thực hành tích cực cho các hành vi sai phạm của bị can Đinh La Thăng. Vì vậy Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hậu quả, gây thiệt hại cho PVN 800 tỷ đồng.
Trong thời gian từ tháng 3.2009 đến tháng 12.2013, Quỳnh với vai trò Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính- Kế toán và Kiểm toán PVN đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận và chiếm đoạt 20 tỷ đồng là tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN tại OceanBank từ Nguyễn Xuân Sơn.
Cáo trạng nhận định, bị can Vũ Khánh Trường đã giúp sức cho các bị can khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 100 tỷ đồng. Bị can Nguyễn Xuân Sơn đã đồng phạm, giúp sức cùng các bị can khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 100 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức đồng phạm, giúp sức cho các bị can khác trong vụ án, gây thiệt hại cho PVN 100 tỷ đồng.
Bị can Ninh Văn Quỳnh và gia đình đã khắc phục 20 tỷ đồng - tiền chiếm đoạt do hành vi phạm tội mà có. (Ảnh: TTXVN)
Trong quá trình điều tra, Ninh Văn Quỳnh xin được cùng gia đình khắc phục số tiền chiếm đoạt 20 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã thu hồi toàn bộ các khoản tiết kiệm (cả gốc và lãi) của Ninh Văn Quỳnh tại các ngân hàng VietcomBank, SHB, PvcomBank, OceanBank với tổng số tiền trên 10,6 tỷ đồng; thu hồi trên 3,5 tỷ đồng từ việc bán 40.000 chứng khoán mã GAS của Tổng công ty cổ phần Khí Việt Nam, lưu ký tại Công ty Chứng khoán Dầu khí đứng tên Ninh Văn Quỳnh; thu giữ 320 triệu đồng và 11.700 USD (tương đương 262,6 triệu đồng) khi khám xét nơi làm việc của Quỳnh.
Qua làm việc, Ninh Văn Quỳnh khai đây là số tiền mặt mà Quỳnh tiết kiệm từ các nguồn tiền lương, thưởng lễ, tết… không liên quan đến 20 tỷ đồng nhận của Nguyễn Xuân Sơn. Tuy vậy, Quỳnh đề nghị Cơ quan điều tra thu hồi, nộp vào tài khoản tạm giữ để được xem xét khắc phục hậu quả.
Đến giữa tháng 12.2017, vợ của bị can Ninh Văn Quỳnh tự nguyện nộp khắc phục số tiền gần 5,2 tỷ đồng. Như vậy bị can Ninh Văn Quỳnh và gia đình đã khắc phục 20 tỷ đồng - số tiền chiếm đoạt do hành vi phạm tội mà có.
Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng của vụ án, cáo trạng của VKSND Tối cao đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Trí, ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội khẳng định, đến thời điểm này chưa có gia đình bị can nào tới cơ quan này chủ động nộp tiền để khắc phục hậu quả.
PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank ra sao? Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank và mất trắng khi nhà băng này bị mua lại với giá 0 đồng. Trong phiên xử Hà Văn Thắm, đại diện của PVN đã xuất hiện. Nguồn: Zing