Dân Việt

Vì sao kiểm duyệt chặt vẫn lọt 94 hồ sơ ứng viên GS, PGS… có vấn đề?

Tùng Anh (T/h) 03/03/2018 07:28 GMT+7
94 hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư nghi là chưa đủ điều kiện là kết quả rà soát vừa được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước báo cáo Thủ tướng. Con số này khiến dư luận đặt lại câu hỏi về quy trình xét duyệt vì sao bỏ sót?

Theo người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sau khi rà soát trong số 1.226 ứng viên GS, PGS, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) đã để lại 94 ứng viên nghi chưa đủ điều kiện. Trong số này có những ứng viên bị phản ánh về hồ sơ chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học, hồ sơ có kiện cáo… Ông Dũng cũng cho biết thêm: “Mặc dù, Bộ GD ĐT đã báo cáo nhưng Thủ tướng cho biết, tới đây, tại phiên họp thường trực Chính phủ cần báo cáo lại với tinh thần rõ ràng”.

img

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã để lại 94 hồ sơ tiếp tục rà soát. Ảnh minh họa: IT.

Sau kết quả này, nhiều ý kiến cho rằng việc để lại một số lượng hồ sơ không hề nhỏ sau khi rà soát đã thể hiện tinh thần cầu thị của HĐCDGSNN. Tuy nhiên, điều đó cũng khẳng định quy trình bình xét, công nhận các chức danh GS, PGS của các hội đồng ngành là rất… có vấn đề.

Theo một GS trong ngành Ngôn ngữ: “Số lượng 94 hồ sơ nghi có vấn đề được HĐCDGSNN để lại cho thấy Hội đồng này đã “dám làm” và dám chịu trách nhiệm về việc thiếu chính xác trong quá trình xét duyệt để “sót” 94 hồ sơ nghi không đạt chuẩn. Nếu như không có sự vào cuộc của Thủ tướng thì những hồ sơ thiếu chuẩn này sẽ “lọt lưới” ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và uy tín của những người đủ tiêu chuẩn thực sự” – vị này nói.

Vậy vì sao quy trình công nhận GS, PGS phải qua 3 vòng xét duyệt, thẩm định ở hội đồng cấp cơ sở, cấp ngành, liên ngành rồi cấp Nhà nước với nhiều lần bỏ phiếu mà vẫn để lọt 94 hồ sơ không chuẩn? Nhiều chuyên gia cho rằng, có một số vấn đề trong việc xây dựng các tiêu chí tạo “kẽ hở” khiến các ứng viên có thể “lách luật”. Ngoài ra, quy định về bỏ phiếu kín cũng nảy sinh tiêu cực “xin – cho”.

Thừa nhận điều này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý Thủ tướng cho biết: “Về tiêu chí giờ giảng dạy, ngay cả khi ứng viên nói đủ giờ giảng thì cũng phải làm rõ giảng ở đâu, giáo trình nào, hợp đồng giảng dạy ra sao, thỉnh giảng thế nào, có xin tiền hay không xin tiền? Không phải giảng nhưng lại viết tờ giấy nói ủng hộ nhà trường rồi không lấy tiền, không có chuyện đó. Những kiểu “lách luật” như vậy Thủ tướng biết hết”.

Trong khi đó, ở khâu bỏ phiếu kín, PGS Vũ Hào Quang - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục và Mội trường (Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, đã có hiện tượng rất nhiều người giỏi chuyên môn, điểm nghiên cứu cao nhưng bị trượt ở khâu bỏ phiếu vì “cảm tình”.

“Khi đã xác định làm hồ sơ xét duyệt thì không được làm mất lòng vị nào có lá phiếu trong tay. Bởi lẽ phải đủ ¾ số phiếu mới được thông qua” – ông Quang chia sẻ.

Tương tự, GS Vũ Văn Hóa – Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, quy trình xét duyệt, bỏ phiếu chưa thực sự chặt chẽ. Theo ông Hóa, Chủ tịch HDCDGS phải là người biết được tên thành viên bỏ phiếu để làm rõ trách nhiệm của họ với lá phiếu của mình trong trường hợp phản đối những hồ sơ tốt hay bầu cho những hồ sơ chưa chuẩn.

Để khắc phục những kẽ hở này, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn – ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất, cần trả lại việc đánh giá, công nhận và bổ nhiệm các ứng viên đạt chuẩn GS, PGS về cho trường ĐH theo lộ trình.

Ngoài ra, cần xây dựng lại quy chế xét duyệt, công nhận và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS theo hướng bỏ HĐCDGS nhà nước, chỉ cần HĐCDGS của các trường ĐH và HĐCDGS ngành (trợ giúp về mặt chuyên  môn cho Hội đồng trường, danh sách Hội đồng có thể thay đổi hàng năm tùy theo yêu cầu chuyên môn).

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thanh tra hậu kiểm của Bộ GD ĐT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện quy chế, chỉ tiêu, quá trình xét công nhận và bổ nhiệm của các trường.