Dân Việt

Giáo dục, câu chuyện đầu năm

Thái Thảo 06/03/2018 06:06 GMT+7
LTS: Năm 2018, giáo dục Việt Nam tiếp tục bước qua một chặng đường mới bằng cuộc cải cách toàn diện và triệt để theo chủ trương của bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Mở đầu cuộc cải cách này là thay đổi toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, bắt đầu từ niên khoá 2019 – 2020. Tháng 4.2018, sẽ ban hành nội dung sách giáo khoa mới để phụ huynh và học sinh tham khảo. Đặc biệt, các thầy cô giáo cũng coi đây như là một “trận chiến” mới cam go mà đầy lo lắng. Liệu “đánh trận” với sự âu lo có dẫn tới kết quả tốt? Báo TGTT mở diễn đàn “Đổi mới giáo dục dành cho ai?” mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả. Dưới đây là những bài viết và trăn trở của các phụ huynh, giáo viên – những người đang chịu “tổn thương” mà vẫn rất kiên cường để tìm cho con em chúng ta một môi trường giáo dục tốt nhất.

Trong bữa cơm gia đình đầu năm, nhiều người hỏi sao con tôi… mập thế? Sao nó chậm chạp thế? Sao nó ù lì thế?, v.v. Tôi nói: tại nó học nhiều quá. Học gì mà sáng sớm 5g30 dậy để chuẩn bị ăn sáng rồi đạp xe đến trường. Đến tối làm bài tập đến 12g đêm. Lại không có thời gian thể dục, vì buổi tối đi học thêm suốt đến 9g mới về nhà. Thử hỏi sao mà nó không béo phì, chậm chạp, ù lì… Cô nó nghe vậy thì buông câu: “Đứa nào cũng vậy mà, đành phải theo thôi!”. Tôi nói: “Tại sao mình có điều kiện mà không cho con mình có giáo dục tốt hơn?” – “Điều kiện gì?” – “Nhà có tiền nhiều thì cho con học trường quốc tế rồi đi du học, nhà ít tiền thì đừng cho con đi học thêm, học vừa thôi, cho con có thời gian thể thao, chơi nhạc, vẽ vời…?” – “Chơi nhiều thì điểm thấp, học lực trung bình người ta cười cho” – “Ôi, thuở nay vẫn giành giật điểm số để hơn người thì… kỳ quá!”

Tôi nhớ lại lời cô giáo chủ nhiệm của con nói: “Thằng nhỏ hiền lắm chị. Nó bị điểm 5 mà em nói nó muốn xin điểm không, em nói với cô giáo bộ môn cho. Nó chẳng nói năng gì rồi lơ luôn. Chỉ cần nói xin thêm 1, 2 điểm là được học sinh tiên tiến. Nó học đâu có dở đâu chị”.

Tôi về khen con trung thực, học thế nào điểm thế đó, không việc gì phải xin điểm. Nhưng hỏi sao con học môn đó có 5 điểm thôi, có khi kiểm tra cũng chỉ 4 điểm, con nói vì thầy giảng con không hiểu gì cả mà không thể hỏi lại thầy nên thôi. “Vậy con phải biết cách tự học chứ!” Rồi tôi nhận ra, chính tôi, cha mẹ của con, mới cần biết chấp nhận chứ không phải con mình, cần chấp nhận điểm số trung bình để con được vừa học vừa chơi, đúng với tuổi học trò.

Đó là con trai lớn. Tôi còn có con gái nhỏ năm nay mới vào lớp 1, lại nghe nói sắp cải cách giáo dục và đổi sách giáo khoa (SGK). Tôi nghĩ ngay đến cả hàng triệu cuốn sách vất vào thùng rác, không còn làm sách cũ dành cho các em nghèo không có tiền mua sách được nữa. Sự hoang phí của mỗi lần cải cách giáo dục là… vô hạn, nhưng với người nghèo thì sao?

Tôi nhớ lại một tranh luận nhỏ trong nhóm các phụ huynh lớp con tôi khi có tin để sách trên lớp bị mất. Một phụ huynh đưa ra ý kiến là đóng tiền làm tủ cho các con khoá lại bảo vệ đồ dùng cá nhân. Một phụ huynh khác cho rằng cần mua hai bộ SGK, một bộ để ở nhà, một bộ để ở trường cho các con khỏi phải đem đi đem về nặng vai. Tôi phản đối cả hai. Nhất là việc mua hai bộ sách. Thử hỏi nếu tất cả học sinh đều mua hai bộ sách, các học sinh nghèo sẽ thế nào?

Điều lo lắng của các phụ huynh chúng tôi khi nghe nói tới cải cách giáo dục với lại thay đổi SGK chính là “chất lượng thầy cô”.

img

Đề thích nghi với chương  trình mới, kỹ năng tự học vẫn là ưu tiên hàng đầu.Ảnh: TL

Tìm hiểu về việc đào tạo giáo viên để phù hợp với chương trình cải cách sẽ bắt đầu thay đổi SGK (khoảng 20 môn) từ năm học 2019 – 2020, trong một bài báo trả lời phóng viên, tổng chủ biên, GS Nguyễn Minh Thuyết nói: “Chúng tôi đã kiểm tra, đánh giá đội ngũ hiện nay xem có đáp ứng được chương trình mới, cần thêm những gì để dạy tốt chương trình này… Bộ từ đó đã có kế hoạch và chuẩn bị chu đáo để đào tạo mới nguồn nhân lực và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hiện nay. Thời gian 3 – 4 năm để chính thức triển khai chương trình, đủ cho chúng ta tạo được ra đội ngũ người thầy dạy những môn học tích hợp mới”.

Bộ GD&ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 – 2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 – 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 – 2022, cụ thể:

- Năm học 2019 – 2020: lớp 1;

- Năm học 2020 – 2021: lớp 2 và lớp 6;

- Năm học 2021 – 2022: lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

- Năm học 2022 – 2023: lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

- Năm học 2023 – 2024: lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Hiện tại, các phụ huynh đều thắc mắc, tại sao năm 2019 đã cho học sách mới mà không công bố nội dung sách từ năm 2018 công khai để phụ huynh chuẩn bị và phản biện. Ngoài ra, các thầy cô với 3 – 4 năm ấy có đủ thời gian để tiếp thu “sự thay đổi hoàn toàn” cho việc cải cách giáo dục lần này hay không, hay cũng chỉ là những buổi học bổ túc dùng để “đối phó” với tình hình thực tại. Và tại sao việc đào tạo cho một cuộc cải cách giáo dục lại có thể dễ dàng đến thế?

Còn giáo viên thì sao? Một cô giáo đã tâm sự với người thầy già của mình: “Giáo viên bây giờ ray rứt lương tâm lắm, cho điểm thực, đánh giá học lực học sinh đúng thực chất thì không đạt chỉ tiêu thi đua, không những không có danh hiệu thi đua mà còn bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Để đạt chỉ tiêu thi đua giáo viên đành phải đạp lên lương tâm, nâng lên cho đủ tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến… Cứ như vậy năm sau nâng cao hơn năm trước, mặc dù thực tế chất lượng năm sau kém hơn năm trước. Thầy có cách gì tháo gỡ vấn đề này cho em với, không phải chỉ riêng em mà tất cả giáo viên hiện nay đều như vậy nhưng không ai dám mở miệng”.

Cải cách giáo dục là điều cần làm, nhưng làm thế nào lại là một chuyện khác.

Vài ý kiến khác của các giáo viên về vấn đề cải cách giáo dục

Bùi Vĩnh Linh, giáo viên trường THCS Bắc Trà My, Quảng Nam

Cải cách giáo dục là xu thế tất yếu của cuộc sống, các nước khác đã làm từ lâu rồi. Giờ mình mới làm thì không có gì mới. Nhưng cải cách như thế nào mới là quan trọng. Nếu không phù hợp sẽ tác động không tốt đến người học và người dạy. Thật ra thì nói cải cách nó to tát quá, bản thân là một giáo viên thì trước hết muốn có những chính sách điều chỉnh thích hợp về chế độ, nâng lương cho nhà giáo. Với học sinh thì cần có những điều chỉnh về nội dung chương trình học, vì hiện tại đang nặng về lý thuyết mà ít thực hành quá, kiểu học vẹt ra trường thì sẽ thiếu kỹ năng làm việc. Bên cạnh đó, tiêu cực trong giáo dục cũng còn, cần có sự can thiệp nhiều hơn nữa để giảm thiểu tình trạng này.

Hiện tại tôi đang dạy văn lớp 6, 7, 8, qua quá trình dạy tôi nhận thấy rằng môn văn bây giờ vẫn còn nặng về áp đặt tư tưởng, đạo lý của cha ông ta ngày xưa rất khô khan, gây nhàm chán. Ít có những cập nhật mang tính thời sự như viết một lá thư, viết một bản tin… Hầu hết chỉ toàn là giá trị nhân đạo, nghệ thuật, tố cáo, lên án, phê bình, đấu tranh… mang tính giáo điều hơn thực tiễn.

Đối với học sinh nên hạn chế kiểu học truyền thống, nhồi nhét kiến thức thụ động, mà giáo dục phải tạo cơ hội để học sinh phát huy khả năng sáng tạo. Cho học sinh trải nghiệm nhiều hơn, hạn chế áp đặt học thuộc lòng. Lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chỉ là người hướng dẫn giúp đỡ chứ không phải người ban phát kiến thức.

Cô Lê Thị Luyến, giáo viên trường tiểu học Lý Tự Trọng, Quảng Nam

Tất nhiên phải cải cách rồi, vì giáo  dục hiện tại thật sự thảm hại. Học sinh bây giờ không coi trọng giáo viên, nói chuyện với giáo viên như bạn bè cùng trang lứa, có khi còn tệ hơn. Vì không có tính cạnh tranh trong chương trình học nên học sinh tỏ vẻ chán chường và không ham học.

Cải cách về đánh giá học sinh. Cụ thể là quay lại hình thức chấm điểm trước đây và tổ chức thi học sinh giỏi, vì không thi học sinh không phấn đấu.

Với môn toán và tiếng Việt lớp 3 tôi đang dạy thì thấy không cần thay đổi gì nhiều, cũng tạm ổn rồi. Nên có môn giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Về phía giáo viên nên bỏ ngay lập tức phần sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) vì họ dựa vào đó để đánh giá giáo viên giỏi. Mà giờ giáo viên toàn copy SKKN trên mạng chứ chẳng ai tự làm, chưa kể những người dạy giỏi mà SKKN không đạt cũng rớt nên rất bất công. Và bệnh thành tích còn nhiều quá. Hồi trước chỉ 2 – 3 em học sinh giỏi, nhưng đó là các em giỏi thật sự. Bây giờ lớp hơn 10 em giỏi, nhưng toàn do giáo viên nâng điểm chứ thực sự chỉ ở mức trung bình. Điều này rất tai hại cho phụ huynh và học sinh trước thành tích ảo như vậy. Cuối năm trường phải đưa ra lớp đó bao nhiêu điểm, bắt giáo viên phải chạy điểm.

Giáo dục càng thay đổi càng thất bại, chẳng hạn như lương giáo viên, nếu dạy tiểu học thì phải ăn lương trung cấp mà đòi hỏi giáo viên phải đạt chuẩn đại học.

            An Hội ghi

Sẽ rà soát 1,4 triệu giáo viên và đào tạo lại

Tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và sở GD-ĐT tỉnh Bình Định ngày 12.5, ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng bộ GD-ĐT cho biết, hiện tại chương trình cũ đang dạy các tiết học rời rạc, theo hướng kiến thức, còn cách dạy mới là tổng hợp kiến thức, tích hợp các môn dẫn tới việc nhiều giáo viên đang đứng lớp phải bồi dưỡng, đào tạo lại.

Hiện tại, Chính phủ đã đề nghị xây dựng đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng theo chuẩn mới. Ban soạn thảo đề án hiện đang rà soát xây dựng các chuẩn giáo viên và chuẩn quản lý, đào tạo theo chuẩn mới. Trước mắt, sẽ rà soát các tiêu chuẩn của khoảng 1,4 triệu giáo viên hiện có, sau đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn cơ bản theo chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng. Nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng sẽ do các trường sư phạm đảm nhiệm.

Ông Nhạ cũng cho biết, bắt đầu từ tháng 9 năm nay các trường sư phạm sẽ đào tạo giáo viên cốt cán theo hình thức cuốn chiếu, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023. Đối với những giáo viên lớn tuổi có nhu cầu xin nghỉ hưu sớm, bộ sẽ phối hợp với bộ Nội vụ xem xét, tạo điều kiện giải quyết với chế độ phù hợp.       

Theo TTXVN

Thái Thảo