Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn (sống ở huyện Bắc Quang và Quang Bình - tỉnh Hà Giang và Chiêm Hóa - tỉnh Tuyên Quang) thường được tổ chức trong hai ngày 15-16 tháng Giêng. Các bài ca nghi lễ được một thầy cúng của làng thực hiện mở màn lễ hội.
Ông thầy phải làm lễ xin phép tổ tiên, xin phép thần lửa, thần nước cho dân làng được tổ chức trò chơi.
Các thanh niên tham gia nhảy lửa đang chờ làm lễ.
Một đống lửa lớn được đốt lên trên khoảng sân rộng. Khi thầy mo gõ đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên một sẽ ngồi đối diện với thầy, và đó chính là lúc "nhập đồng" cho người nhảy lửa.
Sau khi thầy kết thúc các nghi lễ ban đầu thì cũng là lúc cơ thể của những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên - báo hiệu họ sắp có sức mạnh, sắp có sự dũng cảm để nhảy vào những đám than hồng đang ở độ rực rỡ nhất, nóng bỏng nhất.
Họ bật lên, cúi người, nhảy lò cò và tiến ra gần đống lửa. Một nguồn năng lượng nào đó nâng bổng người thanh niên nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào giữa đống lửa cháy rừng rực. Họ vừa nhẩy vừa đưa tay bới tung than hồng, thỉnh thoảng lại bốc một viên than cho vào miệng nhai.
Cứ hai mươi phút lại có một đợt nhảy, vũ điệu nhảy lửa càng về sau càng sôi động. Không có bất cứ một vật dụng nào lót cho đôi chân của những chàng trai. Có chăng đó chỉ là lớp da dày sau nhiều ngày đi bộ, rong ruổi nơi dốc cao, suối sâu.
Từ lúc bắt đầu lao vào đống lửa đến khi tro tàn khoảng 30 phút, nhóm nhảy lửa gần chục chàng trai đều lành lặn an toàn, không ai bị thương, bị bỏng chân tay. Khi lửa đã tàn, than đã nguội, ông thầy cúng lại làm lễ để tiễn "thần lửa" về chốn cũ. Cả ông thầy và những người tham gia nhảy lửa lại trở về trạng thái bình thường. Một trò chơi đã kết thúc, đem lại tiếng cười và niềm phấn khởi cho người Pà Thẻn.
Lễ hội thu hút khoảng 10.000 người dân các xã, bản trong và ngoài huyện cùng du khách thập phương.