Dân Việt

Thơ Bùi Giáng - tiếng chuông treo ngoài trời

22/12/2011 07:03 GMT+7
(Dân Việt) - Một buổi tọa đàm thơ vừa được tổ chức nhân dịp ra mắt tuyển thơ Bùi Giáng với tên gọi “Đười ươi chân kinh”. Nhiều đại biểu đã rưng rưng cảm xúc tiếc thương cho một đời thơ tài hoa nhưng có số phận kém phần may mắn.

“Nhà thơ điên” của thế kỷ XX

Tác giả Thanh Tâm Huyền nhận định: “Đối với đa số, Bùi Giáng là một nhà thơ điên. Không nhắc đến bọn tục, bọn tỉnh, bọn khôn suốt cả đời chẳng một giây phút nào thèm “điên” đến tuyệt vọng, nói ngay những người quý ông - nhìn được ông như một thiên tài, thiên tài tự hủy ghê gớm của thi ca hiện đại Việt Nam - nhiều khi cũng né tránh, chẳng dám bước vào cõi thơ ông, hoặc có bước vào thì cũng có lối “chân trong chân ngoài”, “mắt trước mắt sau”, cười cợt vui đùa hay nghiêm trang lố bịch... Tưởng như thế đã làm thuận ý, vui lòng nhà thơ - người bày trận nghiêm trọng và ta nên chiều người”.

img
Nhà văn Bùi Văn Sơn Nam và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong buổi tọa đàm về thơ Bùi Giáng tại Hà Nội.

Nhà văn Bùi Văn Nam Sơn nói về thơ Bùi Giáng: “Trước mắt tôi như một chiếc kính vạn hoa. Với tôi hình ảnh ấy là một sự nhìn nhận, một vinh hạnh và một niềm an ủi lớn lao đối với bất kỳ tác giả nào không đơn điệu và nhất phiến.

Chỉ cần điểm qua một cách ngẫu nhiên nhan đề của một số bài viết về Bùi Giáng, ta cũng hình dung phần nào về chiếc kính vạn hoa ấy: “Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khốn”; “Bùi Giáng, một tâm hồn mênh mang ảo diệu”; “Những sát - na của Bùi Giáng”... và mới đây nhất là “Bùi Giáng, nhà thơ của các nhà thơ”...

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết ông đọc thơ Bùi Giáng khá muộn, sau ngày thống nhất đất nước 1975, và mãi đến năm 1990 mới nhìn thấy.

“Khi tôi đang cùng Hoàng Hưng ngồi bên quán cóc vỉa hè đường Lý Chính Thắng (TP.HCM) chợt phát hiện ra một ông lão gầy nhỏm, râu tóc bạc phơ, quần áo nhàu nhĩ ngồi sau chiếc xe đạp thồ lướt qua đường. Và điều đặc biệt là ông ngồi sau lưng với người lái xe, tay huơ lên như nói với trời xanh. Thơ lục bát của ông như một nguồn suối trời cao tưới xuống trần gian. Nó mênh mang, mát mẻ, và nhiều khi ớn lạnh lòng người”.

Thiên tài tự hủy

Mượn lời nhà thơ Heidegger, nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên tâm sự: “Giữa tiếng ồn ào, thơ Bùi Giáng giống như một tiếng chuông treo ở ngoài trời và chỉ cần một chút tuyết rơi nhè nhẹ chạm vào đủ khiến chiếc chuông lạc đi âm điệu. Vì thế, thể theo ân tình của tiếng thơ là lời giảng thơ phải gắng làm sao để tự điều khiển mình thành thư thái. Từ đó bài thơ đứng lên trong cốt cách, thể lệ của riêng nó, lập thời mang lại ánh sáng cho những bài thơ khác”.

img
Nhà thơ Bùi Giáng.

Nhà thơ Mai Thảo cho rằng Bùi Giáng từ lâu đã là một thi sĩ lớn với vị trí quan trọng trong nền thơ Việt Nam. Trong việc tiếp cận di sản của ông, đã và vẫn sẽ tiếp tục có những lầm lẫn, ngộ nhận... “Ông như một thiên tài, thiên tài tự hủy ghê gớm, bởi ông đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng ngôn ngữ ảo điệu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời”.

Bùi Giáng sinh năm 1926, mất năm 1998. Trong 72 năm cuộc đời mình, Bùi Giáng vừa là nhà thơ với bút lực phi thường, “vô tiền khoáng hậu”, vừa là dịch giả, vừa là nhà phê bình văn học. Ông đã xuất bản 14 cuốn sách trước năm 1975.

Khép lại buổi tọa đàm có thể thấy “Đười ươi chân kinh" được coi là một tinh tuyển thơ văn tập hợp những tác phẩm xuất sắc nhất của Bùi Giáng mà qua đó, những ai còn tò mò, còn muốn tìm hiểu về một "hoàng tử bé" có thể tìm đọc và chiêm nghiệm.

Hơn 500 trang sách được biên tập, chọn lọc kỹ lưỡng, ngoài những bài thơ đầy đủ, còn có những câu thơ lục bát lẻ xuất thần của Bùi Giáng được in trong một chương riêng có thể giúp bạn đọc yên tâm "lật giở để thưởng thức "đười ươi thi sĩ", tức Bùi Giáng - “một gương mặt văn học đa tạp thuộc loại kỳ lạ nhất, người thừa kế lớn nhất và tinh quái nhất của Nguyễn Du về lục bát, người mà hồn thơ bị libido vây khốn gay cấn khó tả và vì thế dường như là kẻ đem lại nhiều tiếng cười nhất cho thơ ca Việt hiện đại" (trích lời tựa cuối cuốn sách "Đười ươi chân kinh").