Dân Việt

Thế giới bóng đá tuyên chiến với tiêu cực, vậy còn Việt Nam?

22/12/2011 16:18 GMT+7
(Dân Việt) - Trung Quốc và Italia đang cùng chung một chiến dịch: Làm sạch nền bóng đá, tiêu diệt “bóng ma” tiêu cực. Hàng trăm quan chức, cầu thủ và trọng tài bị bắt giữ chờ ngày xét xử. Còn bóng đá VN?

Sức mạnh của cơ quan “Định hướng dư luận”

Cựu lãnh đạo Hội Bóng đá Trung Quốc Nan Yong, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Trung Quốc (CFA) Zhang Yimian và lãnh đạo trọng tài Zhang Jianqiang đã bị cách chức và bị bắt ngày 1.3.2011 với các cáo buộc dàn xếp trận đấu và nhận hối lộ. Tuy nhiên, sau khi 3 nhân vật này bị bắt, giải bóng đá Trung Quốc vẫn không có nhiều thay đổi.

img
Cựu tuyển thủ đội tuyển Italia Doni cùng 16 người khác đã bị bắt giữ vì liên quan tới đường dây cá độ.

Trước tình hình đó, Đài Truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) đã có động thái thể hiện vai trò đầy sức mạnh được Đảng Cộng sản Trung Quốc giao cho nhiệm vụ “Định hướng dư luận”: Không phát sóng trực tiếp các trận đấu có các đội có hành vi tiêu cực mà chưa bị xử lý triệt để. Trong đó có cả CLB nổi tiếng Thân Hoa Thượng Hải đang nổi đình nổi đám với thương vụ mua cầu thủ Anelka.

Trước hành động đầy trách nhiệm và quyết liệt của CCTV, vụ án tiêu cực trong bóng đá bị “ngâm tôm” từ năm 2009 được mở trở lại. Ít nhất 21 hội viên và quan chức các câu lạc bộ đã bị bắt giữ kể từ tháng 11.2011 và cảnh sát đang phỏng vấn hơn 100 nghi can. Hơn 20 quan chức bóng đá, trọng tài Trung Quốc bắt đầu ra tòa ở tỉnh Liêu Ninh trong vụ án hối lộ, mua bán độ ở giải Siêu hạng Trung Quốc.

Đến nay, cảnh sát đã bắt giữ hơn 60 quan chức, trọng tài, HLV, cầu thủ. Bị cáo nổi tiếng nhất trong chiến dịch “bàn tay sạch” này là Zhang Jianqiang - cựu Trưởng ban Trọng tài. Theo cáo trạng, quan chức này đã nhận tiền hối lộ của 8 CLB và 2 trung tâm bóng đá địa phương với tổng cộng 375.000USD trong thời gian dài từ năm 1997-2009. Một trong những trọng tài đồng lõa là Lu Jun, từng được phong danh hiệu “Còi vàng” Trung Quốc và 2 lần là trọng tài xuất sắc nhất châu Á, từng cầm còi ở World Cup lẫn Olympic.

Cuộc chiến không mệt mỏi

Giữa tháng 12.2011, cựu thủ quân CLB Atalanta, cựu tuyển thủ đội tuyển Italia Doni cùng 16 người khác (có nhiều cầu thủ nổi tiếng) đã bị bắt giữ vì liên quan tới đường dây cá độ, dàn xếp tỷ số. Chủ mưu của đường dây này là những tổ chức tội phạm ở Singapore. Đây là đường dây cá độ, dàn xếp tỷ số thứ 2 bị phanh phui ở Italia trong năm nay.

Trước đó, vào tháng 6, Doni cũng bị trừng phạt với án “treo giò” 3,5 năm, đội bóng Atalanta đã bị trừ 6 điểm ở Serie A. Ngoài ra, cựu danh thủ Giuseppe Signori cũng bị cấm hoạt động bóng đá trong vòng 5 năm.

Đây là vụ bắt giữ, thanh trừng lớn thứ 7 của nền bóng đá Italia trong vòng 30 năm qua. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của các cơ quan công quyền đã cứu sống một nền bóng đá dính líu quá sâu với các tổ chức mafia.

Ban Kỷ luật bóng đá Italia là cơ quan có công cao nhất trong các chiến dịch “Bàn tay sạch” này. Tất cả các vụ việc trước khi đến với Viện Công tố đều xuất phát từ các hồ sơ có sự điều tra kỹ càng của Ban kỷ luật này.

Chính vì việc độc lập với LĐBĐ nên Ban này đã có tính chủ động và sức mạnh rất đáng nể: Ngay cả Thủ tướng Italia, Chủ tịch CLB AC Milan là Berlusconi cũng đã phải hầu tòa sau vụ bê bối dàn xếp tỉ số năm 2006.

Dù trong hoàn cảnh đó, khi Berlusconi được bầu làm Thủ tướng, ông sử dụng chức vụ của mình để tìm cách kiểm soát kênh truyền hình thuộc sở hữu nhà nước RAI TV và qua đó thao túng hệ thống thông tin trong cả nước Ý. Không có được sự ủng hộ của giới truyền thông như tại Trung Quốc, nhưng Ban Kỷ luật bóng đá Italia đã liên tục phanh phui được những việc động trời.

Đâu là “chất tẩy” cho bóng đá VN?

Đài Truyền hình VN đã thất bại trong các thương vụ dính dáng đến bóng đá nước ngoài, sự ra đời của kênh truyền hình K+ với sự độc quyền giải Ngoại hạng Anh ngày Chủ nhật là một ví dụ. Hiện tại, ngay cả giải bóng đá trong nước lại bị AVG ràng buộc với một hợp đồng 20 năm và Đài Truyền hình VN đang ở thế “ra rìa”.

Hy vọng về sức mạnh của cơ quan “định hướng dư luận” hàng đầu tại VN với cách làm như CCTV của Trung Quốc đã không còn khi từ chối phát sóng các trận đấu nghi có “mùi” hay có các đội dính dáng tiêu cực trong bóng đá VN.

Ban Kỷ luật bóng đá VN là một tổ chức hoạt động dưới sự điều hành của LĐBĐ VN. Sự độc lập của tổ chức này, ai cũng thấy là chưa thể hiện rõ nét. Và trước nay, việc xử lý các cá nhân, quan chức bóng đá liên quan đến tiêu cực của Ban Kỷ luật chỉ là các quyết định liên quan đến trọng tài (tuy nhiên lại được khuyến cáo là không công bố trước dư luận). Chất kích thích cho bóng đá VN đã hiện hữu đó là Công ty VPF, nhưng “chất tẩy” để tạo ra một nền bóng đá trong sạch vẫn chưa thấy hiện diện!

- HLV Nguyễn Thành Vinh (CLB bóng đá Hà Nội): “Từ chuyện của Italia, Trung Quốc và sự đổi mới của các giải bóng đá VN, tôi nghĩ đây là thời điểm phải làm quyết liệt, loại bỏ tiêu cực ra khỏi đời sống bóng đá. Bóng đá có sạch thì người hâm mộ mới tin tưởng, đến sân xem.

- Ông Nguyễn Hải Hường - Trưởng Ban Kỷ luật (VFF): “Sau khi VPF ra đời, ban Kỷ luật vẫn chịu sự quản lý của VFF, nhưng hoạt động theo luật FIFA, độc lập với VFF và VPF. Trong trường hợp được ai đó cung cấp chứng cứ rõ ràng về tiêu cực của đội U23 và các đội, cá nhân, chúng tôi sẽ trình bày với VFF và chắc chắn sẽ xử lý.