Theo đánh giá của chính người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH), các bên tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam, bao gồm cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đều sử dụng tình báo đến “mức độ tinh vi”. Nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Thế, một người có điều kiện tiếp xúc nhiều nguồn tài liệu từ chế độ Sài Gòn và đồng minh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam trước đây đã có một nghiên cứu tổng hợp về vấn đề này, trong đó có nêu chi tiết về những chiến dịch tình báo thất bại mà Mỹ và VNCH đã thực hiện tại miền Bắc và chiến trường miền Nam Việt Nam. Tạp chí Khám phá trân trọng trích đăng, gửi tới bạn đọc góc nhìn khá thú vị về Tình báo trong chiến tranh Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể hình dung ra tầm vóc cuộc chiến và những chiến công mà Tình báo Quốc phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đạt được trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân ta.
So với VNCH, Miền Bắc có nhiều thuận lợi hơn trong việc cài người ở Miền Nam. Có 2 lý do chính cho việc này: 1) Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, 1945-1954, Việt Minh nắm trọn quyền điều khiển Kháng chiến; đảng viên Cộng sản có mặt khắp nơi trong Miền Nam; khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, trong việc tập kết quân đội tại Miền Nam để chuyển ra Bắc, một số khá lớn đảng viên Cộng sản đã nhận được lệnh ở lại Miền Nam; và 2) Phong trào di cư của người Bắc vào Nam trong thời gian 100 ngày sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết vào tháng 7.1954 tạo cơ hội quá tốt cho Hà Nội cài người.
Quang cảnh lễ ký kết Hiệp định Geneve tháng 7.1954
Ðó là nguồn nhân lực rất quan trọng cho miền Bắc sử dụng trong việc cài người trong dân chúng cũng như bộ máy chính quyền (cả chính trị và quân sự) của VNCH.
Phần lớn những người này đã có mặt, sinh sống, và làm việc như mọi người dân khác của Miền Nam, ngay cả trước khi VNCH được thành lập, nên họ đều có một vỏ bọc rất tốt, giúp họ dễ dàng xâm nhập, len lỏi, và “chui sâu, trèo cao” trong guồng máy chánh trị và quân sự của VNCH. Sau đây là một vài nhận vật thật nổi tiếng trong số những người này.
Ông Phạm Ngọc Thảo tại Sài Gòn, năm 1965
Trong số những người theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp nhưng đã không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam nổi tiếng nhất là Phạm Ngọc Thảo.
Trong thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, ông đã xâm nhập được vào quân đội miền Nam, được chế độ Ngô Ðình Diệm tin dùng và bổ nhiệm vào chức vụ Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) lúc ông đang mang cấp Trung tá. Sau tháng 11.1963, ông thăng lên cấp Ðại tá và đã tham gia vào cuộc đảo chính ngày 19.2.1965 chống Tướng Nguyễn Khánh nhưng thất bại vì sự chống đối của các tướng trẻ. Sau vụ này ông bỏ trốn nhưng bị bắt và bị giết chết.
Mãi đến năm 1987, Việt Nam mới công khai xác nhận ông Thảo là người của họ, truy tặng ông cấp bậc Ðại tá của Quân Ðội Nhân Dân và danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân.
Trong số những người Cộng sản lợi dụng phong trào di cư năm 1954 để vào Nam hoạt động nổi tiếng nhất phải kể đến Vũ Ngọc Nhạ, đảng viên Cộng sản từ năm 1947.
Tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ: “Người Mỹ và Tổng thống Thiệu đã thành con rối trong tay tôi”
Tên thật là Vũ Xuân Nhã, sinh ngày 30.3.1928 tại Thái Bình, Bắc Việt, xuất thân từ một gia đình theo Công giáo, sinh sống trong vùng Phát Diệm nổi tiếng chống Cộng dưới sự lãnh đạo của Giám Mục Lê Hữu Từ, bản thân có theo học mấy năm ở một chủng viện, và đã theo làn sóng người Công giáo di cư vào Nam sau Hiệp Ðịnh Genève 1954, và sau đó lại được Linh Mục Hoàng Quỳnh đỡ đầu, Vũ Ngọc Nhạ đã thoát được không bị kết án sau khi bị Ðoàn công tác đặc biệt Miền Trung của Ngô Ðình Cẩn phát hiện và bắt giam tại Huế vào tháng 12.1958.
Một thời gian sau, cũng lại với cái vỏ bọc Công giáo đó, cùng với bài viết vào cuối năm 1959 “Bốn nguy cơ đe dọa chế độ” dự đoán sẽ có đảo chánh và sau đó có đảo chánh xảy ra thật sự vào ngày 11.11.1960, Nhạ đã được Ngô Ðình Cẩn tin dùng và sau đó giới thiệu cho hai người anh là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Cố vấn Ngô Ðình Nhu.
Báo chí Sài Gòn viết về Vũ Ngọc Nhạ
Vũ Ngọc Nhạ được hai anh em họ Ngô giao cho nhiệm vụ liên lạc với khối Công giáo di cư nhưng chưa làm được thì chế độ nhà Ngô sụp đổ. Sau đảo chính 1.11.1963, ông Nhạ tiếp tục làm việc với cha Hoàng Quỳnh, và sau đó được cha Hoàng Quỳnh giới thiệu với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Ông Nhạ lại được Tướng Thiệu sử dụng trong việc móc nối với khối Công giáo.
Khi Tướng Thiệu trở thành Tổng Thống, ông Nhạ thường được Tổng Thống Thiệu tham khảo về một số vấn đề chính trị có liên quan đến khối Công giáo. Vũ Ngọc Nhạ được lệnh của Hà Nội tổ chức 1 cụm tình báo chiến lược với bí danh A-22, trong đó có Huỳnh Văn Trọng, lúc đó chính thức là Cố vấn của Tổng Thống Thiệu.