Trồng rau CNC thu tiền tỷ
Điển hình trong áp dụng CNC vào lĩnh vực trồng trọt đó là đến nay thành phố đã xây dựng được 110ha trồng hoa ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới. Trong đó, có 0,1ha áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, 925ha trồng cây ăn quả và 307ha cây chè ứng dụng CNC cũng đang phát triển rất hiệu quả.
Mô hình nuôi gà đẻ trứng an toàn sinh học đang mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Nguyễn Văn Lâm ở huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Đến nay, toàn TP.Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC. Trong đó, huyện Mê Linh dẫn đầu với 17 mô hình, tiếp đến là các huyện: Thường Tín 14 mô hình, Gia Lâm 13 mô hình, Đông Anh 8 mô hình… Các mô hình góp phần tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trên 25%, nâng cao đời sống người nông dân, qua đó, tăng cường củng cố an ninh trật tự khu vực nông thôn. |
Song song với trồng trọt, việc ứng dụng CNC trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng được chú trọng. Cụ thể, ngành nông nghiệp Hà Nội đang thúc đẩy việc sử dụng giống nhập ngoại để cải thiện đàn giống trong nước như nhập giống gà D300 của Cộng hòa Séc, lợn đực giống Landrace, Yorkshire… từ Đan Mạch, lợn nái giống Thái Lan, Canada… để phối với giống trong nước, từ đó lai tạo ra đàn giống mới có những ưu điểm nổi bật.
Đối với hạ tầng sản xuất, hiện thành phố có khoảng 30% số trang trại lớn chăn nuôi lợn, gà sử dụng hệ thống chuồng kín, máng ăn, máng uống tự động, bán tự động phối trộn, cung cấp thức ăn. Khoảng 80% hộ chăn nuôi bò sữa toàn thành phố đang sử dụng hệ thống làm mát, chống nóng, chuồng nuôi khép kín và điều tiết nhiệt độ.
Không chỉ hệ thống chuồng trại, cơ giới hóa trong phối trộn thức ăn cũng được chú trọng, nhất là trong chăn nuôi bò sữa, khi có tới 2.700 hộ hiện sử dụng máy thái, cắt cỏ và máy trộn...
Theo chia sẻ của nhiều cơ sở chăn nuôi, việc áp dụng cơ giới hóa mang lại nhiều lợi ích thiết thực như nâng cao năng suất lao động, tiết giảm lượng thức ăn, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm (ATTP) và bền vững.
Tại Đan Phượng, mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng CNC của gia đình ông bà Cuối Quý có quy mô 3ha được HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đan Phượng hỗ trợ thuê đất của 52 hộ dân để thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6.2017.
UBND huyện Đan Phượng đã hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng, nhà sơ chế, một số quy trình kỹ thuật và tem, nhãn truy xuất nguồn gốc. Đây là mô hình sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Hiện, giá trị bình quân canh tác của mô hình đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha.
Phấn đấu tăng trưởng đạt 2,5%
Dù đạt nhiều kết quả khả quan, song ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội phải thừa nhận: "Các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC hiện chủ yếu có quy mô nhỏ. Công tác nghiên cứu ứng dụng CNC vào sản xuất còn hạn chế, nhất là ở khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch".
Cũng theo ông Mỹ, hiện còn thiếu những cơ chế chính sách đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC. Không chỉ vậy, việc tiêu thụ nông sản CNC hiện còn gặp nhiều khó khăn do suất đầu tư lớn, trong khi giá bán chưa cao. Đây là lý do khiến nhiều đơn vị chưa thực sự mặn mà.
Về định hướng phát triển nông nghiệp năm 2018, ông Mỹ cho biết, thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy Chương trình nông nghiệp CNC trong sản xuất hoa, cây cảnh, rau màu, cây ăn quả… Ưu tiên phát triển vùng lúa chất lượng cao, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung ngoài khu dân cư, bảo đảm ATTP trên cơ sở ứng dụng CNC theo hướng hàng hóa, chuyên canh quy mô lớn.
Để nông nghiệp ứng dụng CNC thực sự có được bước tiến mạnh mẽ hơn trong năm 2018, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ban ngành, các địa phương cần tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị cao và bền vững. Trong quá trình phát triển, cần đặc biệt chú trọng bảo đảm ATTP.
Cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, cần tiếp tục nhân rộng những vùng chuyên canh tập trung cho giá trị kinh tế cao. Phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2018 từ 2 - 2,5%, giảm tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn xuống còn 2,1%.
Trong chuyến thăm quan mô hình nông nghiệp CNC tại 2 huyện Đan Phượng, Quốc Oai đầu tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao các mô hình nông nghiệp CNC tại Hà Nội và cho rằng, nông nghiệp ứng dụng CNC không nhất thiết phải có nhà lưới, nhà kính quá hiện đại, diện tích rộng lớn, mà hộ nông dân nào cũng có thể làm được nếu có tư duy.
Ông Nam đề nghị TP.Hà Nội cần nghiên cứu, tạo điều kiện hơn nữa nhằm hỗ trợ sáng kiến của nông dân, góp phần việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp CNC, phấn đấu để Hà Nội trở thành một trong những trung tâm sáng tạo và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước.