Dân Việt

Kinh hoàng cảnh biển Bali bị con người làm cho "nghẹt thở"

Trà My - Daily Mail 08/03/2018 06:25 GMT+7
Video được quay ngoài khơi Bali, cho thấy đại dương đang phải chịu hậu quả nặng nề từ những hành vi thiếu ý thức của con người.

Video kinh hoàng cảnh biển Bali bị con người làm cho "nghẹt thở"

Một thợ lặn người Anh vừa ghi lại một video gây sốc, cho thấy  rác thải nhựa trôi nổi ngoài khơi đảo Bali của Indonesia.

Thợ lặn Rich Horner đã đăng video gây sốc lên mạng xã hội và kênh Youtube của mình vào ngày 3.3. Video cho thấy rác thải nhựa và giấy bọc thực phẩm trôi nổi dày đặc trong nước biển. Thỉnh thoáng, một con cá bơi xuyên qua rác.

Video được quay tại một điểm lặn có tên Manta Point, cách đảo Bali nổi tiếng khoảng 20km.

img

Thợ lặn Rich Horner đã đăng video gây sốc lên mạng xã hội và kênh Youtube của mình vào ngày 3.3

Trong bài đăng trên Facebook, Horner cho biết dòng hải lưu đã kéo theo sứa, sinh vật phù du và rất nhiều rác.

"Túi nhựa, chai nhựa, ly nhựa, cốc nhựa, giấy nhựa, ống hút nhựa, rổ nhựa, thêm túi nhựa, nhựa, nhựa", Horner viết. "Rất nhiều rác thải nhựa!"

Manta Point là nơi loài cá Manta thường xuyên ghé tới để loại bỏ ký sinh trùng và những con cá nhỏ hơn bám vào thân. Tuy nhiên, trong video chỉ có 1 con cá Manta duy nhất.

Horner nói: “Thật bất ngờ, không có nhiều manta tại nơi làm sạch này ngày hôm nay. Chúng hầu hết đã quyết định không thèm bận tâm”.

img

Video cho thấy rác thải nhựa và giấy bọc thực phẩm trôi nổi dày đặc trong nước biển

Theo Guardian, rác thải đã xâm chiếm đảo Bali trong nhiều tháng nay, chủ yếu xuất phát từ đảo lân cận Java trong mùa mưa hằng năm, hay còn được gọi là “mùa rác”.

Theo Quỹ Sông, Biển, Hổ và Sinh Thái ở Bali, Indonesia mỗi ngày thải ra khoảng 130.000 tấn chất thải nhựa và chất thải rắn, trong đó khoảng một nửa được chuyển đến các bãi xử lý rác. Nửa còn lại bị đốt hoặc thải trái phép ra sông biển.

Indonesia hiện đang là nước gây ô nhiễm chất thải nhựa lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, theo Guardian.

Thợ lặn Horner cho biết ông và đồng nghiệp thường xuyên nhìn thấy "một vài đám rác nhựa” trong mùa mưa nhưng đợt rác này là kinh khủng nhất.

Khi trở lại điểm lặn này vào ngày hôm sau, Horner cho biết rác đã di chuyển, "tiếp tục cuộc hành trình, đi vào Ấn Độ Dương".

Sốc: Cá có hình thù dị dạng vì hành vi tệ hại của con người

Bao bì siết chặt phần giữa của con cá chó phương Bắc nhưng nó vẫn phát triển xuyên qua bao bì.