Dân Việt

“Nữ tướng Lê Chân” Nguyễn Thị Thanh: "Ánh mắt người lao động thôi thúc tôi đổi mới"

Vũ Thị Hải 08/03/2018 06:25 GMT+7
 Xinh đẹp, giỏi giang, thành đạt và giải thưởng "Nữ tướng Lê Chân" của TP. Hải Phòng trao tặng là sự đánh giá, ghi nhận thành công của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh. Vậy nhưng khi người viết hỏi về cá nhân, nữ doanh nhân chỉ cười "chị có gì để viết đâu".

img

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Việt Trường (Ảnh: VTH)

Nghe tin Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Việt Trường nhận Giải thưởng “Nữ tướng Lê Chân” năm nay- một giải thưởng danh giá của Thành phố Hoa Phượng Đỏ dành để tôn vinh những phụ nữ tài năng, đức độ, có nhiều đóng góp cho xã hội- tôi vội bốc máy chúc mừng chị và dọa: “Lần này thì chị không chối được nữa nhé. Con cháu bà Lê Chân là không phải chuyện đùa đâu”.

Bằng lòng để tôi viết bài về chị nhưng chị vẫn dặn dò: “Em viết về doanh nghiệp là chính nhé.”

Công ty TNHH Việt Trường (Công ty Việt Trường) một công ty chuyên thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu. Khởi nghiệp từ năm 2002, từ một doanh nghiệp nhỏ chỉ có 20 lao động, đến nay, công ty Việt Trường đã phát triển mạnh mẽ với ba nhà máy sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu. Sản phẩm của Việt Trường đã chinh phục được các khách hàng khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... Mỗi năm doanh nghiệp của "nữ tướng Lê Chân" Nguyễn Thị Thanh đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hải Phòng vài chục triệu USD mỗi năm.

"Nữ tướng Lê Chân" Nguyễn Thị Thanh đã mạnh dạn đầu tư một đội tàu gồm 6 tàu lớn chuyên làm nhiệm vụ thu mua nguyên liệu từ các ngư dân đang đánh bắt ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Sau 14 năm phát triển, đến nay công ty Việt Trường đã thu hút trên 300 lao động và tạo cơ hội việc làm, thu nhập cao cho nhiều chị em nữ công nhân, nông dân lỡ tuổi, khó xin việc trong các lĩnh vực khác nhưng lại dễ dàng vào làm việc tại Việt Trường với mức lương 5-6 triệu đồng/mỗi tháng.  

"Nữ tướng Lê Chân" Nguyễn Thị Thanh nhớ lại những khó khăn ban đầu khi mới thành lập Việt Trường. Những năm 2003, 2004, khi đó nhà máy của chị sản xuất tôm xuất khẩu bị lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn nguyên liệu do hàng loạt đầm nuôi trồng thủy sản bị thu hồi đất, bị ô nhiễm. Nhiều nhà máy đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, trong đó có nhà máy của Việt Trường.

"Nữ tướng Lê Chân" nhiều đêm trăn trở: "Đóng cửa nhà máy hay đổi mới để phát triển? Nhà máy đóng cửa thì hàng trăm công nhân sẽ đi đâu, cuộc sống của họ và gia đình sẽ đi về đâu?".

img

Bà Nguyễn Thị Thanh trong buổi tôn vinh doanh nhân tiêu biểu khu vực phía Bắc (Ảnh: VTH)

Mỗi sáng đến công ty, gặp những ánh mắt ưu tư, lo lắng của người lao động đã gắn bó với doanh nghiệp, "Nữ tướng Lê Chân"  Nguyễn Thị Thanh cảm nhận được những gửi gắm, trông đợi của họ. Những ánh mắt đó đã ám ảnh và điều đó đã thôi thúc nữ doanh nhân và ban lãnh đạo công ty đi đến quyết định táo bạo: đổi mới để cứu doanh nghiệp, đổi mới để phát triển.

Công ty Việt Trường đã chuyển đổi mặt hàng xuất khẩu từ con tôm nuôi sang sản phẩm đánh bắt tự nhiên ngoài khơi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải thay đổi dây chuyền sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

"Nghe nói thì có vẻ dễ, nhưng đổi mới có nghĩa là thay mới, là phải bỏ tiền mua dây chuyền sản xuất, là vốn đầu tư, là lo tìm đầu ra, lo tìm nguồn nguyên liệu đầu vào. Hàng loạt vấn đề được đặt ra mà vấn đề nào cũng quan trọng, cũng có tính quyết định sự thành bại của một hướng đi mới", nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh nhớ lại. 

Nhưng may mắn của nữ doanh nhân là có thể huy động vốn từ các mối quan hệ bạn bè, đối tác nhờ uy tín đã được tích luỹ qua nhiều năm hoạt động trên thương trường. "Người có tiền thì cho vay tiền, người thì dắt mối cho tôi tiếp cận với bà con ngư dân đánh bắt xa bờ, người thì dẫn mối cho các đối tác nhập khẩu... Nhờ sự giúp đỡ của họ mà Công ty Việt Trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn mang tính sinh tử của doanh nghiệp. Từ đấy, mặt hàng chả cá Suzumi ra đời, chinh phục được bạn hàng Nhật Bản khó tính", "Nữ tướng Lê Chân" Nguyễn Thị Thanh nhớ lại. 

"Nữ tướng Lê Chân" Nguyễn Thị Thanh chia sẻ việc chinh phục bà con ngư dân cũng được đặt lên hàng đầu bằng việc đầu tư hàng loạt con tàu vươn khơi, đến tận ngư trường vịnh Bắc bộ để thu mua nguyên liệu. Đồng thời, mỗi lần tàu của công ty đi thu mua  đều cung ứng thuốc men, nhu yếu phẩm, trong đó có nhiều mặt hàng được cung ứng miễn phí cho bà con, tạo nên sự gắn kết lâu dài.

Với quyết định khôn ngoàn, sự chèo lài đầy bản lĩnh và đầy trách nhiệm của "nữ tướng Lê Chân" Nguyễn Thị Thanh, Công ty Việt Trường từ nguy cơ phải đóng cửa đã nhảy một bước ngoạn mục, vượt qua sóng dữ để băng về phía trước.

Sau 14 năm hoạt động, doanh nghiệp của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh đã định vị được chỗ đứng cho mình trên thương trường với thương hiệu Việt Trường nổi tiếng trên thị trường xuất khẩu thủy sản. Liên tiếp hai nhà máy mới đã được đầu tư để mở rộng sản xuất, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng nhiều đơn đặt hàng.

Không còn phải chạy vạy vốn vay, huy động bạn bè như trước, với uy tín và thương hiệu Việt Trường, nữ doanh nhân là đối tác mà nhiều ngân hàng mong muốn được kéo về và tài trợ vốn vay. Đầu tư xây dựng nhà máy vài trăm tỷ, qui mô lớn nhất miền Bắc mà "nữ tướng Lê Chân" chẳng phải lo lắng gì nhiều, vốn liếng cứ chạy về ầm ầm, công trường nhộn nhịp thi công, chẳng mấy chốc dây chuyền mới đã chạy vèo vèo. Xe chở nguyên liệu về nhập vào nhà máy, hàng từ nhà máy xuất ra cảng lúc nào cũng tấp nập, tràn đầy sức sống.

Doanh thu, kim ngạch xuất khẩu cũng từ đó mà tăng lên vùn vụt. Cụ thể, năm 2013 doanh thu mới chỉ đạt trên 113 tỷ đồng, đến năm 2015 đã tăng vọt lên 263 tỷ đồng, năm 2016 vọt lên 325 tỷ đồng và đến năm 2017 đã lên tới 480 tỷ đồng. 

Không chỉ lo doanh thu, nữ doanh nhân rất quan tâm tới đời sống của công nhân viên, bảo về môi trường sản xuất và môi trường sống trong lành cho ngư dân. Khi nhà máy mới còn đang vận hành thử nghiệm, đầy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân cư, không ít lần nữ doanh nhân xinh đẹp này đích thân tới từng ngõ xóm xung quanh khu vực nhà máy để lắng nghe ý kiến phản ảnh của bà con về vấn đề môi trường.

Những ý kiến đóng góp, kiến nghị của người dân được bà chủ doanh nghiệp lắng nghe, ghi nhận và lập tức tiếp thu. Công nghệ nào xử lý môi trường tốt nhất, mới nhất, hiệu quả nhất, với giá trị đắt đỏ bao nhiêu cũng được Việt Trường đầu tư để giải quyết tận gốc các vấn đề ô nhiễm nước thải, khí thải.

 Giờ đây, nữ doanh nhân hoàn toàn yên tâm và mừng vui khi được người dân ghi nhận, những nỗ lực của công ty trong việc cải thiện môi trường đã được đền đáp xứng đáng. Trong các cuộc kiểm tra về môi trường sản xuất, các chỉ tiêu của nhà máy đều đáp ứng chỉ tiêu bảo vệ môi trường được đặt ra.

Ngoài tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi, nữ doanh nhân còn tích cực tham gia công tác xã hội. Hiện chị đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội  Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố, Uỷ viên Ban chấp hành Ủy ban mặt trận tổ quốc VN Quận Lê Chân; đại biểu HĐND quận Lê Chân nhiệm kỳ 2016-2021. Đặc biệt với vai trò là Phó chủ tịch CLB Nữ doanh nhân thành phố chị Thanh còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, nhân đạo từ thiện, chị thường xuyên tặng quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo trên địa bàn quận Đồ Sơn, Lê Chân với hàng trăm suất quà với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng, hỗ trợ kinh phí xây dựng 1 nhà mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo tại phường Ngọc Hải – quận Đồ Sơn.

Thành công của bà Nguyễn Thị Thanh được xã hội ghi nhận và tôn vinh với những danh hiệu và các giải thưởng cao quý như: “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, “Nữ doanh nghiệp vì sự tiến bộ cộng đồng”, “Doanh nhân Văn hoá Nữ tướng thời bình”, “Doanh nhân tiêu biểu khu vực Duyên hải phía Bắc”, “Gương mặt doanh nhân tiêu biểu thành phố Hải Phòng năm 2014”; năm 2015, đạt danh hiệu: “Gương điển hình tiên tiến 5 năm” 2010-2015;  “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2016 và “Giải thưởng Bông hồng Vàng”- 2017 và hôm nay là giải thưởng “Nữ tướng Lê Chân”.

Nhưng có lẽ, phần thưởng xứng đáng nhất, đặc biệt nhất mà cuộc đời đem lại cho "nữ tướng Lê Chân" này là sự trưởng thành của ba người con, trong đó hai người con trai của bà đang tiếp nối những tâm nguyện và dốc sức cùng nữ doanh nhân xây dựng Việt Trường tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.