Dân Việt

Điều trị thuốc ARV cho bà mẹ mang thai có HIV

14/11/2011 16:23 GMT+7
(Dân Việt) - Theo Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 4.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nếu không được can thiệp, sẽ có khoảng 1.400-2.000 trẻ sơ sinh nhiễm HIV, trở thành gánh nặng y tế cho cả gia đình và xã hội.

Những bé thơ may mắn

Căn nhà của chị Nguyễn Thị L ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) những ngày gần đây tràn đầy hạnh phúc khi bé T.T.N chào đời có xét nghiệm âm tính với căn bệnh thế kỷ. "Bố cháu làm nghề lái xe khách đường dài, chẳng biết mang mầm bệnh HIV từ khi nào. Khi tôi có thai, đến khám sàng lọc ở bệnh viện huyện mới biết mình đã bị nhiễm căn bệnh này từ chồng. Cũng may, tôi được điều trị thuốc ARV nên vừa rồi đi xét nghiệm cháu N không có "H"- chị L tâm sự.

img
Phòng xét nghiệm sàng lọc HIV của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bắc Ninh.

Ông Lương Trung Hậu - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Bắc Ninh cho biết: "Năm 2010-2011, toàn tỉnh Bắc Ninh phát hiện 11 trường hợp phụ nữ mang thai dương tính với HIV. Tất cả các bà mẹ này đều được điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV) trong cả 3 giai đoạn mang thai, thời kỳ sinh và cho con bú, nên đạt kết quả rất khả quan. Tạm thời xét nghiệm nhanh ngay sau sinh, các em bé đều âm tính với HIV".

Tuy nhiên, không phải bé thơ nào cũng may mắn như con chị L và tỉnh nào cũng thực hiện tốt việc điều trị ARV như Bắc Ninh. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 9.2011, cả nước có 193.350 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, tỷ lệ người nhiễm HIV tăng mạnh ở khu vực nông thôn và tỷ lệ nữ giới “dính” Pirus này cũng ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 4.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV, tính theo tỷ lệ lây nhiễm là 35% thì có khoảng 1.400 trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhiễm HIV từ mẹ.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho hay: "Thực ra tỷ lệ nhiễm HIV trong quá trình bà mẹ mang thai nhiều hơn giai đoạn nuôi con. Nhưng để giảm thiểu thì phải tuân thủ đúng quy trình uống thuốc để chống lây truyền và ngay từ khi có thai phải được xét nghiệm rồi điều trị".

Theo ông An, từ khi trẻ sinh ra cho tới khi bú mẹ, tỷ lệ lây nhiễm HIV khoảng 40%, nếu thực hiện đúng quy trình phòng chống lây truyền, được dùng thuốc ARV thì tỷ lệ đó sẽ chỉ còn 5-10%. Nếu vậy, sẽ có hàng ngàn trẻ được cứu khỏi nguy cơ nhiễm HIV, gia đình và xã hội sẽ không phải chi phí cho điều trị các bệnh cơ hội cho các em.

Lo ngại thiếu thuốc và điều trị muộn

Trao đổi với PV NTNN, ông Chu Quốc Ân - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: "Hiện cả nước mới chỉ có ½ số người cần sử dụng ARV được tiếp cận với thuốc, tương đương khoảng 57.500 người, trong đó có khoảng 3.000 trẻ em. Hiện nay, trên cả nước có 118 điểm điều trị ARV và 89 phòng khám điều trị lồng ghép giữa người lớn và trẻ em”.

Theo ông Ân, thời gian tới sẽ có khó khăn bởi một số dự án của nước ngoài tài trợ thuốc ARV kết thúc, số người tiếp cận với thuốc này có thể sẽ giảm đi nếu không huy động được từ nguồn kinh phí khác.

Dự thảo "Chương trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015" của Bộ LĐTBXH đã đưa ra mục tiêu từ nay đến 2015, 100% các bà mẹ, phụ nữ mang thai và trẻ em có HIV được điều trị thuốc ARV miễn phí theo Luật Bảo hiểm y tế.

Không chỉ khó khăn về nguồn thuốc, PGS - TS Chung Á - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS nhận định: "Nhiều bà mẹ mang thai chủ quan, không đi xét nghiệm HIV nên khó cho việc phòng ngừa lây nhiễm".

Ngay cả khi được xét nghiệm, phát hiện có "H", nhưng do tâm lý sợ bị "kỳ thị" nên nhiều bà mẹ tới đăng ký và điều trị muộn. Mặt khác, độ bao phủ và chất lượng các dịch vụ còn hạn chế, nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV tại cộng đồng và trong các trung tâm 05, 06, trại giam... chưa được tiếp cận với việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV.

Ông Ân nhấn mạnh: "Mô hình xét nghiệm phát hiện HIV/AIDS cho phụ nữ mang thai đã được triển khai đến tận các bệnh viện phụ sản tuyến huyện. Bệnh nhân mang thai nếu nghi nhiễm HIV/AIDS chỉ cần tới trạm y tế hoặc các cơ sở y tế địa phương khám và nếu đúng sẽ được đưa vào danh sách điều trị bằng ARV".