Dân Việt

Dân ngại vào khu làng nghề

14/11/2011 12:28 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là thực trạng đang diễn ra tại Khu tập trung làng nghề Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) - nơi chuyên sản xuất tượng, điêu khắc, sơn mài và làm nhà cột. Đây cũng là bài toán hóc búa với các KCN làng nghề phía Bắc.

Dân không mặn mà

Thời gian qua, TP.Hải Phòng đã triển khai dự án xây dựng Cụm cơ sở ngành nghề nông thôn làng nghề Bảo Hà, xã Đồng Minh (gọi tắt là Khu tập trung làng nghề Đồng Minh) với mục đích bảo vệ môi trường và bảo lưu, phát triển làng nghề. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân đều không mặn mà vào khu làng nghề.

img
Dù có khu làng nghề, người dân thôn Bảo Hà vẫn sản xuất tại nhà.

Ông Đỗ Văn Song - chủ một cơ sở tạc tượng ở đội 8, làng Bảo Hà cho hay: “Xây dựng khu công nghiệp làng nghề là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc để các hộ dân phải tự túc hoàn toàn về đầu tư đất, nhà xưởng là việc đem con bỏ chợ, bởi hầu hết các hộ đều sản xuất nhỏ lẻ, vốn mỏng, không lo nổi”.

Để sở hữu được 500m2 đất làm nhà xưởng, hộ làm nghề ở đây phải lo trên 300 triệu đồng để thuê mặt bằng, 700 triệu đồng để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, nhà xưởng, đó là chưa kể số tiền trang bị thêm thiết bị sản xuất.

Ông Đỗ Văn Tuý, một hộ làm nghề nói: “Vốn lưu động của chúng tôi chỉ khoảng 1-2 tỷ đồng. Đổ vào xây nhà xưởng hết thì không có vốn sản xuất. Trong khi đó, việc tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng ngày càng khó khăn”.

Nhiều hộ dân khác thì tính toán, với số tiền trên 300 triệu đồng thuê đất thì họ mua 1 lô đất ở mặt đường, tự sản xuất kinh doanh lại yên tâm hơn. “Bỏ ra số tiền lớn, phải mất rất nhiều năm mới hoàn lại vốn nên người dân không muốn mạo hiểm”- ông Tuý nói. Chính vì thế, khu công nghiệp làng thì bị bỏ hoang, trong khi người dân vẫn phải làm nghề trong các khu nhà chật chội, ô nhiễm.

Tình trạng này còn phổ biến ở một số làng nghề như ở Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội), Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội), Phong Khê (Bắc Ninh). Thực tế, tại Phong Khê (Bắc Ninh) có thể gọi là “khu công nghiệp mini" trong làng bởi ngoài làm giấy, làng nghề này còn có các nhà máy cán thép, luyện thép… mà theo người dân “phải đưa vào khu công nghiệp thì đúng hơn, vì gây ô nhiễm rất lớn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động”. Nhưng khi có khu công nghiệp, khu làng nghề… người dân lại không mặn mà vì chi phí quá lớn.

Cần có chính sách thu hút

Về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Đức Chính - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Bảo cho biết: Khu tập trung làng nghề Đồng Minh được phê duyệt năm 2010, có diện tích gần 4ha. Mỗi hộ được thuê 500m2 làm nhà xưởng trong vòng 50 năm với giá trên 300 triệu đồng, chưa kể đầu tư xây nhà xưởng.

Hiện chưa có thống kê riêng về khu công nghiệp làng nghề nhưng theo đánh giá của Bộ KHĐT, mới chỉ có duy nhất Khu công nghiệp làng nghề Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội) là hoạt động hiệu quả.

Sau khi địa phương phổ biến chính sách, đã có 64 hộ làm đơn đề nghị và 12 hộ nhận hồ sơ dự án. Tuy nhiên, đến nay chưa có hộ nào nộp lại hồ sơ vì gặp quá nhiều khó khăn. “Các hộ sản xuất trong làng nghề chủ yếu là hộ sản xuất nhỏ lẻ, lấy công làm lãi nên việc đầu tư lớn cho nhà xưởng, xử lý chất thải họ rất ngại ngần” - ông Chính nói.

Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thì trăn trở: “Vấn đề xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đã được đặt ra từ rất lâu nhưng đến nay, việc thực hiện di dời này chưa đáng kể bởi chi phí thuê đất, mặt bằng trong cụm quá cao. Ngoài ra, chi phí di chuyển, tuy có chính sách hỗ trợ, nhưng cũng chưa thực hiện được bao nhiêu”.

Ông Vũ Quốc Tuấn đề xuất nên tổ chức lại Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ vốn và tăng cường hỗ trợ về công nghệ xử lý ô nhiễm giúp doanh nghiệp làng nghề có thể “tái thiết” sản xuất ở một môi trường phù hợp.