Dân Việt

“Bay” cùng lâm tặc

14/11/2011 07:23 GMT+7
(Dân Việt) - “Đi bay” là tiếng lóng của giới vận chuyển gỗ lậu ở Quảng Ngãi, để chỉ việc chất những khúc gỗ dài 1-2,5m lên xe máy và “bay” từ một làng đồng bào nào đó trên núi ở Ba Tơ về đồng bằng.

Bất chấp tai nạn thương tích, tàn phế có thể xảy ra, nhiều thanh niên Quảng Ngãi vẫn gia nhập vào đội quân đi “bay”, và góp phần làm nghèo những khu rừng già ở huyện miền núi Ba Tơ. Để tìm hiểu giới đi “bay”, tôi nài nỉ Nguyễn Ngọc T - một lâm tặc có hạng ở huyện Đức Phổ, để được tham gia “phi đội bay” của huyện này. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng T cũng đồng ý.

img
Một lâm tặc đang trên đường “bay”.

“Bay” giữa rừng đêm

Một buổi chiều cuối tháng 10.2011, sau nhiều lần liên lạc bằng điện thoại di động, tôi đã đến điểm hẹn tại một ngôi nhà sàn ở thôn Con Riêng, xã Ba Trang, huyện miền núi Ba Tơ. Tại đây, có 8 “dân bay” đang tụ tập đánh bài chờ đến giờ xuất phát. Hơn 1 giờ sáng, tôi đang mơ màng thì bị T gọi giật dậy, bảo đi gom gỗ để về.

Tôi hỏi gom gỗ ở đâu, T cười: Ngay đây chứ đâu! Một lát sau, chủ nhà mang ra 6 khúc gỗ dài từ 1,5 – 2,5m, tôi và T mỗi người chở 3 khúc. Đây là số gỗ mà T đặt tiền mua trước của đồng bào dân tộc thiểu số với giá chỉ gần 800.000 đồng.

Đồng bào mang cưa máy loại nhỏ vào rừng, chọn cây, hạ xuống, rọc phách rồi vác về giấu kỹ trong nhà, chờ “dân bay” đến lấy. Chỉ cần mỗi tháng vào rừng vài lần, chủ ngôi nhà này đã có vài triệu đồng, bằng làm lúa cả vụ. Đó là lý do để anh ta tiếp đón trọng thị “dân bay”.

Khoảng một giờ sau, 10 xe máy, trong đó có xe do tôi điều khiển, mỗi xe chất từ 2 – 4 khúc gỗ, tụ tập tại địa điểm đã hẹn trên tuyến đường từ xã Ba Trang đi xã Phổ Ninh (Đức Phổ). Lâm tặc Lê Văn D lấy điện thoại di động ra gọi cho ai đó rồi quay lại: “Kiểm lâm đang đón lõng ở xã Ba Khâm (Ba Tơ), chia ra làm 3 tổ, lần lượt xuất phát”.

Tôi được sắp xếp đi cùng tổ thứ hai với T và 3 thành viên khác. Sau tiếng còi hiệu, cả đoàn xe nổ máy, pha đèn sáng rực xé toang màn đêm yên tĩnh của núi rừng...

Tổ thứ nhất bắt đầu tăng tốc vượt lên dẫn trước. 15 phút sau, tổ của chúng tôi cũng rú ga xuất phát. Nhưng liền sau đó tôi đã bị những con dốc dựng đứng, lởm chởm đá chặn lại và lùi dần về phía sau. Tôi đành phải bám vào tổ cuối cùng. Nhưng rồi, đến tổ cuối cùng này, tôi cũng không bám nổi.

Bị bỏ rớt lại sau, đang bơ vơ, lạc lõng giữa rừng đêm thì tôi nhận được điện thoại của T. Anh ta bảo không thể dừng lại chờ vì phải chạy nhanh để tránh kiểm lâm và bảo tôi cứ men theo đường lớn có vết bánh xe tải sẽ về đến đồng bằng. Chỉ với đoạn đường 40km, thay vì đến nơi hẹn trước 4 giờ 30 phút sáng thì phải đến hơn 8 giờ sáng tôi mới đến chân dốc Ông Mười, nơi giáp ranh với đồng bằng. Cả người tôi ê ẩm, thâm tím sau mấy cú ngã xe suýt chết.

Không thống kê được diện tích rừng Ba Tơ bị phá là bao nhiêu, chỉ biết, số lượng gỗ mà dân “bay” vận chuyển bằng xe máy về Đức Phổ mỗi ngày đến hàng chục mét khối.

Chuyến đi thứ 2, xe tôi chết máy. T gởi xe và gỗ của tôi cho một người đồng bào và bảo tôi ngồi sau xe của Nguyễn Quốc Vinh - “dân bay” quê ở xã Phổ Ninh. Lần này “phi đội” phải đi tuyến đường mà dù ngồi đằng sau tim tôi vẫn muốn rớt ra ngoài. Những đoạn dốc dựng đứng tưởng chừng lộn ngược cả người và xe. Những cú đổ dốc khiến tôi phải nhắm nghiền mắt và mơ tưởng mình đang bay với... tử thần. Những cú phanh gấp làm cơ thể muốn văng tới trước vòng bánh xe…

Theo T thì đi đường này tránh được Trạm Kiểm lâm liên xã Khâm – Trang (xã Ba Khâm và Ba Trang, huyện Ba Tơ), để đến địa phận huyện Đức Phổ vào khoảng 5 giờ sáng.

Trên đường đi, tôi nghe nhiều tiếng rú khiếp vía của người đi đường. Cả đoàn xe phóng bạt mạng với những tiếng còi hiệu và tiếng rú ga kinh hồn. Nhiều phụ nữ với chiếc xe máy chở đầy rau quả xuống chợ sớm luống cuống tấp vào lề đường. Và “cuộc đua” chỉ dừng hẳn khi cả đoàn “hạ cánh an toàn” tại một cơ sở mộc dân dụng ở xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ.

“Bay” giữa ban ngày

Tôi cũng xin tham gia một chuyến “bay” ban ngày, xuất phát tại thôn Con Dóc, xã Ba Trang, vào lúc 3 giờ chiều. “Thời điểm nguy hiểm nhất lại là lúc an toàn nhất ” – Vinh giải thích đơn giản.

Do nhận được thông tin Hạt Kiểm lâm Ba Tơ tăng cường lực lượng vây ráp nên cả đoàn phải thay đổi hành trình. Chúng tôi bắt đầu từ thôn Con Dóc, đến thôn Nước Đang (xã Ba Trang), rồi băng qua mép hồ chứa nước Liệt Sơn, đến xã Phổ Hòa (huyện Đức Phổ) để hoàn tất hành trình. Tuy nhiên, khi đến mép nước hồ Liệt Sơn thì kế hoạch bị hủy bỏ vì mực nước quá cao do những cơn mưa trước đó. Thế là cả đoàn phải thay đổi hành trình với việc băng qua đèo Ải để đến thôn Xuân Thành, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ.

Đang đi bỗng có điện thoại báo nguy, T gọi cho “cờ hiệu” bảo mở đường. “Cờ hiệu” là một thanh niên có nhiệm vụ chạy dọc đường để thăm dò điểm chốt chặn của lực lượng cảnh sát giao thông. “Cờ hiệu” nhanh nhẹn chạy trước dò đường với chiếc máy điện thoại di động áp vào tai nhờ chiếc mũ bảo hiểm trùm kín đầu. “Phi đội” lại tiếp tục cuộc “bay” trước sự kêu la hoảng hốt của người dân hai bên đường...

(Còn nữa)