Khủng khiếp
Tarung Derajat là môn võ tổng hợp của Indonesia – tập hợp toàn bộ các đòn đánh hiểm nhất của những môn võ có tính sát thương cao nhất: Pencak Silat, Muay Thái, kick-boxing, karatedo, taekwondo hệ phái ITF, aikido và jujutsu. Khi thi đấu kết hợp các đòn đấm, đá, chỏ, gối, vật lộn di chuyển. Tóm lại tất tật những động tác gì của bộ phận nào trên cơ thể cũng được phép sử dụng miễn là triệt hạ đối phương một cách nhanh nhất.
Một VĐV rời thảm đấu bằng cáng. |
>> Cận cảnh môn võ Terung Derajat tàn bạo, "vào đứng ra nằm"
Môn võ này khi đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games đã lược bớt đi nhiều những đòn đánh hiểm: Không được dùng đòn gối, đòn chỏ; với nữ thì không được đấm vào mặt. Tuy nhiên, cũng như Muay Thái, các VĐV tập luyện môn võ này lâu năm (các VĐV Indonesia) rất dễ ra đòn một cách bản năng, lúc ấy sẽ lấy mạng đối thủ như chơi.
Trong các trận đấu hôm qua, chúng tôi chứng kiến nhiều lần chiếc cáng cứu thương được đưa thẳng vào sàn đấu để khênh các VĐV ra ngoài. Có VĐV máu chảy đầy mặt, có người giập sống mũi, có người phải đặt ống thở oxy ngay tại chỗ…
Môn võ đường phố này đã được các lực lượng vũ trang Indonesia tập luyện vì tính hiệu quả cao của nó trong việc tiêu diệt kẻ thù. Với những người tập luyện môn võ này lâu năm, thì chỉ cần dính hai đòn của họ là đã bị hạ gục. Cũng chính vì thế mà tổ sư của môn võ này, võ sư Achmad Daradjat vốn nhỏ con, chỉ cao khoảng 1m6 đã là một “chiến binh đường phố” khét tiếng không có đối thủ suốt nhiều năm.
Thua vì... thương đối thủ
Trong khi ấy, tất cả các VĐV của Việt Nam tham dự nội dung thi đấu này có đúng… 3 tháng để làm quen với môn võ tàn khốc Tarung Derajat. 6 VĐV (4 nam, 2 nữ) của chúng ta là những VĐV trẻ lấy từ các bộ môn võ khác.
Ngay luật thi đấu, các VĐV của chúng ta cũng còn bỡ ngỡ, chính vì thế trong trận đấu đầu tiên, võ sĩ Việt Nam đã bị thua vì không dám… tàn bạo với đối phương. Vì môn thể thao này yêu cầu tính chiến đấu cao nên sau khi ra đòn trúng đối phương thì phải tiếp tục tiến lên và ra đòn tiếp. Dù ra đòn trúng đối phương nhiều hơn nhưng VĐV của VN vẫn bị xử thua vì bị trừ điểm do đã lùi lại sau khi ra đòn.
HLV trưởng môn Tarung Derajat Việt Nam Nguyễn Văn Hướng cho biết, do mới làm quen nên đã có nhiều bỡ ngỡ, các VĐV Việt Nam không nắm luật thi đấu rõ nên đã để thua đáng tiếc. Vì chưa nắm được luật và cũng theo thói quen, VĐV của ta sau khi ra đòn lại không đánh tiếp vì vậy bị trọng tài trừ điểm. Ta đã bị xử thua dù VĐV Việt Nam ra đòn trúng nhiều hơn VĐV nước bạn.
“Các VĐV của chúng ta nếu muốn chiến thắng thì buộc phải chiến đấu quyết liệt hơn nữa, tránh bị trừ điểm đáng tiếc như vừa rồi” - ông Hướng nhận định.
Võ sư thất đẳng môn Tarung Derajat - ông Aep Saepudin: Phải tập luyện ít nhất 1 năm rưỡi
Ông Aep Saepudin - võ sư thất đẳng môn Tarung Derajat nói với phóng viên Dân Việt: Tôi rất ngạc nhiên khi biết các võ sĩ thi đấu hôm nay, nhiều người mới chỉ tập luyện môn võ này được 3 tháng. Tại Indonesia, những người tập luyện môn võ này phải đạt ở mức ngũ đẳng trở lên mới được phép đi thi đấu.
Vì đây là môn võ có tính hiệu quả cực cao nên người sử dụng nó phải tích lũy được sự trầm tĩnh, cũng như sự phán đoán chính xác, nếu không sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng. Và để đạt được đến ngũ đẳng thì một người kiệt xuất và có năng khiếu võ thuật nhất cũng phải mất 1 năm rưỡi luyện tập.
Cũng theo ông Aep Saepudin, kết hợp đòn chân và đòn tay liên tiếp (đấm, đá) không cho đối thủ nghỉ ngơi và sau đó tiêu diệt gọn là kỹ thuật quan trọng nhất của Tarung Derajat. Khi đưa vào thi đấu tại SEA Games, đòn gối, đòn chỏ bị loại bỏ, tuy nhiên, nếu không nắm được kỹ thuật cơ bản của môn võ này, các VĐV rất dễ bị đo ván và mang chấn thương nặng.
Tuấn Lệ