Dân Việt

Vụ 'cô giáo quỳ gối xin lỗi': Chúng ta đang quên những đứa trẻ

Nguyễn Thụy Anh 08/03/2018 17:01 GMT+7
Theo TS Nguyễn Thụy Anh, trong xã hội hiện đại, roi vọt là phương pháp giáo dục tồi. Những giáo viên đã học nghiệp vụ sư phạm không thể hạ nhục hoặc xâm phạm thân thể của trẻ.

img

Câu chuyện nữ giáo viên trường Tiểu học Bình Chánh, Long An, áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối, sau đó bị phụ huynh bắt quỳ ngược lại nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây. 

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB "Đọc sách cùng con", có bài viết nêu quan điểm cá nhân về vấn đề này.

Ứng xử xã hội với việc bảo vệ trẻ em

Những đứa trẻ hôm nay phải chịu đựng các hình phạt hạ nhục như quỳ gối, "bị bêu" trước lớp... rồi lớn lên cũng lại có lúc đổ lỗi cho hoàn cảnh để đánh đổi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh làm người mà quỳ gối, bởi ngay ở trên ghế nhà trường, người ta đã không dạy chúng tôn trọng chính mình.  

TS Nguyễn Thụy Anh

Theo dõi câu chuyện có từ khóa “quỳ gối” tuần qua có thể thấy ban đầu dư luận phẫn nội vì hành vi cô giáo ở trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) bắt trẻ quỳ gối.

Sau đó, làn sóng phẫn nội hướng vào phụ huynh vì đã bắt cô giáo quỳ để trả giá cho hành vi phi giáo dục của mình. Chúng ta đang quên bẵng đi những đứa trẻ.

Khi tìm kiếm bằng Google, tôi thấy kết quả chỉ liên quan sự việc về sau. Những thông tin để hiểu rõ hơn như hoàn cảnh, bối cảnh diễn ra sự việc ban đầu như cô giáo bức xúc gì, trò đã làm gì khiến cô bị phạt... thì không thấy.

Cũng không ít ý kiến cho rằng cô giáo có sai nhưng ai chẳng từng dùng đòn roi dạy trẻ. Thậm chí, đây cũng là chuyện "thường ngày ở huyện". Tôi còn thấy một số thầy cô hồn nhiên "giật status" rằng: "Thời còn đi dạy, tôi đã bạt tai học trò, như vậy có sao không? Vì thế, học sinh mới nên người như ngày hôm nay".

Vậy roi vọt, hành hạ thân thể, đay nghiến chửi bới... có phải phương pháp giáo dục không?

Đó không phải phương pháp giáo dục. Ở thời đại văn minh này, ai còn cho rằng roi vọt là phương pháp thì đó là phương pháp tồi.

Nguyên lý của nó là đòi hỏi sự thay đổi hành vi và thái độ thông qua việc làm đau về thể xác, một là để "nhớ đời", hai là để "biết sợ". Khi phải ra tay như thế với trẻ, người ấy đang cảm thấy bất lực, không biết ứng xử thế nào để có hiệu quả giáo dục hoặc không kiềm chế được cơn nóng giận.

Nếu trẻ ngày xưa là những đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn bố mẹ, kể cả cảm xúc, không dám cãi một lời, trẻ em ngày nay đã khác. Trẻ thời hiện đại có đầy đủ thông tin, hiểu biết về quyền trẻ em. Các em dám nói, có khái niệm khác về mối quan hệ giữa mình và bố mẹ, giữa mình và cô giáo, có bộ giá trị tinh thần riêng như danh dự, tự trọng...

Các hành động như tát vào má, bắt quỳ, véo tai, dúi đầu đều là những "nhục hình" mang thông điệp hạ thấp giá trị đứa trẻ. Đó là điều tối kỵ trong giáo dục.

Chưa kể đến những vấn đề của lứa tuổi khủng hoảng, trẻ con tuổi mới lớn thường nhạy cảm, đôi khi thái quá và cực đoan, nghi ngờ giá trị của chính mình, từ hình thức đến nội tâm. Chính vì thế mới có hiện tượng trẻ tự tử vì những chuyện cãi vã và đồn đại, hiểu nhầm không đâu... 

'Yêu cho roi cho vọt' đã bị hiểu sai 

img

TS Nguyễn Thụy Anh  cho rằng roi vọt, hành hạ thân thể, đay nghiến chửi bới là phương pháp giáo dục tồi. Ảnh: NVCC.

Mấy năm trước, một trang báo mạng mở cuộc tranh luận về chuyện đánh hay không đánh trẻ? Kết quả là 67% ý kiến đòi đánh.

Tôi thấy thật đáng buồn cho khái niệm quyền trẻ em, quyền con người và quan niệm, hiểu biết về tâm lý, phương pháp giáo dục ở người lớn.

Đó là phụ huynh thì có thể thông cảm, bởi họ không được học nghiệp vụ sư phạm và cái lý thuyết "yêu cho roi cho vọt" đã bị hiểu sai lệch theo nghĩa đen, ăn quá sâu vào tâm trí.

Nhưng còn giáo viên - những người được học về tâm lý lứa tuổi, có phương pháp giáo dục - mà vẫn lười nhác không thể tìm cách tiếp cận khác?

Nếu họ không có gì hơn việc đe nẹt, hạ nhục hoặc xâm phạm thân thể của trẻ, đó là những giáo viên kém chuyên môn, không có lòng tin vào chính mình, thiếu hiểu biết về đứa trẻ, không màng đến tự trọng của người.

Từ đó, họ đánh mất tự trọng của mình, trong nhiều trường hợp có thể vô tình (vì thiếu hiểu biết) mà phạm tội. 

Quyền được sai và sửa lỗi

Trích bài viết Câu chuyện những hình phạt của TS Nguyễn Thụy Anh đăng trên tạp chí Mẹ và bé: Trẻ con vẫn là trẻ con và vì thế, khác với người lớn, nó có quyền được sai và quyền được tìm cách không sai nữa.

Người lớn thay vì nhăm nhăm tìm lỗi hay tệ hơn, bắt những đứa trẻ bới móc lỗi của nhau, hãy cho trẻ biết thiện chí của mình thông qua việc… đưa ra các hình phạt.

Để các hình phạt có tác dụng thật sự đối với trẻ, khiến trẻ hiểu rõ vì sao bị phạt, cách không lặp lại lỗi sai và thấy mình được tôn trọng, giá trị của đứa trẻ không bị hạ thấp, cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sư phạm.

Đứa trẻ có cơ hội được chịu trách nhiệm sẽ không mang cảm giác đeo đẳng của một “bị cáo” - cảm xúc tiêu cực mà không đứa trẻ nào phải chịu!

Lưu ý, khi đưa ra các hình thức phạt đối với trẻ, người lớn cần chú ý:

- Đặc điểm lứa tuổi: Không nên coi lỗi nếu sai phạm đó là phản ứng tự nhiên của lứa tuổi. Chẳng hạn, với những bạn lớp 1, 2 mới đến trường, các bé chưa tập trung được lâu, có thể ngủ gục, có thể đứng lên ngồi xuống - bé được nhắc nhở nhưng không nên bị phạt.

Những đứa trẻ tuổi dậy thì (13, 14 tuổi) do sự thay đổi về tâm sinh lý, có thể trở nên ít nói, lầm lì hoặc ngược lại hay cười mà người lớn coi là “vô duyên”. Với lứa tuổi đó, những phản ứng giao tiếp với giáo viên kiểu như thế dễ bị coi là hỗn. Tuy nhiên, các thầy cô có thể nhắc nhở, giải thích bằng hình thức nào đó để trẻ hiểu được cảm giác của người đối diện, thay đổi hành vi ứng xử, chứ cũng không nên phạt các em vì lỗi này.

- Những cảm xúc tự nhiên không kiềm chế được: Khóc vì buồn, đấm vào tường vì cáu, ngại ngùng không muốn thể hiện... cũng không phải là lý do bị phạt.

- Sự vụng về vì ít trải nghiệm: Làm vỡ cốc nước, đánh rơi quả cầu dạy học của cô giáo, làm đổ nước vào vở của bạn khác...

Trong khuôn khổ nhà trường, việc thưởng phạt luôn cần thiết. Tuy nhiên, phải công bằng, minh bạch và thấu hiểu để trẻ có thể “học qua những lỗi sai”, không sợ sai, không sợ sửa sai, vui vẻ, hạnh phúc với cuộc đời đến trường của mình.

Nóng trên mạng: Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh vì phạt học sinh. Nguồn: Canthotv