Dân Việt

Phận người cũng bạc như vôi

14/11/2011 19:40 GMT+7
(Dân Việt) - Môi trường làm việc ô nhiễm, ăn ở, ngủ nghỉ cùng khói bụi và đã có hàng chục người chết vì bệnh ung thư, lao phổi… Biết vậy nhưng người dân xã Hương Vĩ, Yên Thế, Bắc Giang vẫn phải bám lấy nghề nung vôi để sống.

Giàu vì nghề, bệnh cũng vì nghề

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vĩ cho hay, nghề nung vôi đã có từ những năm 1990, khi đó chỉ có vài hộ, dần nhân rộng ra ở 7/11 thôn, với khoảng 500 lò của 1.500 hộ/5.000 lao động làm nghề. Sở dĩ số hộ làm nghề nung vôi tăng nhanh, là bởi những năm gần đây giá vật liệu xây dựng tăng cao, nhiều hộ lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm, nên nhà nhà đua nhau nung vôi.

img
Vôi đã mang lại cho nhiều người nhà cao, rồi lấy đi của họ sức khỏe và tuổi thọ.

"Là xã thuần nông, nhưng lại ít đất, người dân chỉ có nghề nung vôi để kiếm sống. Phải thừa nhận rằng nghề nung vôi đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, nhiều hộ trở nên khá giả, nhà tầng thi nhau mọc lên. Nhất là vài năm gần đây, vôi chủ yếu được xuất đi Đài Loan, Hongkong, nên nhiều hộ làm ăn được" - ông Thủy cho hay.

Dẫn chúng tôi đi thăm các lò vôi, ông Thủy thông tin thêm là mỗi năm xã xuất ra thị trường khoảng 65 - 70 vạn tấn vôi, trong đó 70% được xuất khẩu. Hiện vôi cục có giá từ 900 - 950 nghìn đồng/tấn. Mỗi lò đạt khoảng 15 tấn vôi, cứ 10 ngày ra lò một mẻ, trừ chi phí còn lãi 6 - 7 triệu đồng/lò, mà nhiều hộ có tới 2 - 3 lò.

Hiện đang là mùa xây dựng nên không khí lao động ở đây cũng tấp nập hơn. Từ đầu làng đến cuối xã, đâu cũng thấy lò vôi nhả khói trắng cả một góc trời. Thi thoảng lại có vài chiếc xe ô tô, container ra vào ăn hàng. Nhìn những ngôi nhà tầng khang trang, cảnh lao động, trao đổi hàng hóa tấp nập này, ai cũng mừng vì người dân đang ăn nên làm ra. Tuy nhiên, đằng sau sự nhộn nhịp đó là vấn đề ô nhiễm, bệnh tật mà người dân đang phải gánh chịu…

Sống chung với nhiễm

Không cần đo, thử, nhìn bằng mắt, ngửi bằng mũi cũng đủ biết mức độ ô nhiễm ở đây khủng khiếp thế nào. Khói lò nhả suốt ngày đêm, rồi bụi xỉ than, bụi do đường xấu, lưu lượng xe qua lại đông…, tất cả khiến môi trường sống ở Hương Vĩ ô nhiễm, ngột ngạt.

Để kiểm chứng, chúng tôi đã vào Trạm Y tế xã Hương Vĩ, y sĩ Giáp Thị Lịch cho hay: "Đa số người dân ở đây hay mắc các bệnh về đường hô hấp như lao phổi, phế quản... phần lớn là người trong độ tuổi lao động. Thời gian gần đây có ngày có tới 3 - 4 cháu nhỏ đến khám do bị ho. Trong xã đã có hàng chục người chết do ung thư phổi, họng… ở độ tuổi 30 - 45".

Mặt mũi nhem nhuốc bám đầy tro bụi vôi, loay hoay ra lò để kịp chuyến hàng đi Đài Loan, anh Trần Ngọc Hà ở thôn Bo Lon nói: "Làm vôi có thu nhập nhưng vất vả và độc hại lắm, làm được 2 lò lại phải nghỉ vài ngày lấy sức. Nói thật không có nghề khác, nên đành bám nghề này chứ tôi thấy cũng đuối lắm rồi".

img Do hết quỹ đất nên không thể quy hoạch được làng nghề tập trung, các hộ phải xây lò ngay cạnh nhà. Biết là ô nhiễm nhưng chúng tôi chưa có cách giải quyết. img

Ông Hoàng Văn Hữu - Chủ tịch UBND xã Hương Vĩ

Mặc dù mới 29 tuổi, nhưng Hà gầy gò, mặt mũi hốc hác già hơn tuổi rất nhiều. Khi được hỏi về bệnh tật, Hà không ngần ngại tiết lộ: "Tôi cũng gần chục lần nằm viện rồi, nhanh thì 2 ngày, lâu thì nửa tháng. Bác sĩ bảo bị lao phổi, nhưng việc nhiều không làm không được, nên cứ đỡ lại phải lao vào làm. Hai đứa nhỏ cũng ho suốt, ho, lao phổi là bệnh chung của cả xã rồi anh ạ".

Ông Trương Công Đại - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Giang băn khoăn: "Chỉ cần cấm ô tô chở đá vôi, than vào xã là hết ô nhiễm ngay. Nhưng hàng trăm người dân đang sống nhờ vào nghề này, cấm mà chưa tạo được nghề khác cho họ thì không thể cấm được".

Đem câu chuyện về xã Hương Vĩ trao đổi với bà Nguyễn Hoàng Ánh - chuyên viên Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TNMT), bà nhận xét: Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn thi hành đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, ý thức chấp hành, thực thi của chính quyền địa phương và người dân lại rất kém, đây là một trong những nguyên nhân khiến môi trường làng nghề ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.