Nhận định này được đưa ra sau khi các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện virus H7N9 được tổ hợp từ bốn chủng virus cúm khác nhau và khiến nguy cơ lây lan của nó có thể cao nhất trong số các virus cúm hiện hành.
Với bốn chủng virus được tìm thấy trong cấu trúc gene của virus cúm H7N9, các nhà khoa học lo ngại loại virus kỳ lạ này có thể gây các bất ngờ mới. Trong khi đó, số ca tử vong do H7N9 ở Trung Quốc vừa tăng lên 31 với 129 người mắc.
Chợ gia cầm ở Trung Quốc. |
Kể từ ngày đầu tiên phát hiện bệnh nhân mắc cúm H7N9, 30/3/2013, virus nguy hiểm này đã lan ra 10 tỉnh thành. Bệnh nhân đầu tiên mắc H7N9 đến từ tỉnh Chiết Giang và đã hồi phục. Mẫu virus lấy từ bệnh nhân này là sự kết hợp của bốn chủng virus khác nhau có trong gia cầm. Nhờ áp dụng các liệu pháp điều trị đông tây y kết hợp, đến nay, 43 người đã xuất viện trong khi hơn một nửa vẫn tiếp tục điều trị.
Trong số các chủng virus cúm gà tạo thành H7N9, các nhà khoa học phát hiện một loài virus sống trên vật chủ là vịt trời mà ở Việt Nam hay gọi là chim sâm cầm.
Loài vịt trời này sống ở Châu thổ Sông Dương Tử và người ta hoài nghi đây chính là vùng phát tích virus cúm H7N9. Các thành phần chủng virus khác trong H7N9 được tìm thấy trên gia cầm ở các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, và thành phố lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải.
Đến nay, virus H7N9 đã biến chủng thành hai loài mới và chúng có biểu hiện kháng với Tamiflu, thuốc chống virus cúm mạnh nhất hiện nay mà con người có được.