Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả David A. Andelman – một học giả của Trung tâm An ninh Quốc gia tại trường Luật Fordham, đồng thời cũng là giám đốc Dự án Red Lines của trường này. Dân Việt đã lược dịch và biên tập lại.
--------------------------------------------------
Khi nhận được lời mời, ông Trump đã đồng ý – ông không còn lựa chọn nào khác bởi nếu để vụt mất cơ hội này, vấn đề Triều Tiên sẽ càng trở nên dai dẳng và phức tạp thêm, thậm chí có thể dẫn đến xung đột hạt nhân trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn cả một đoạn đường dài phía trước để nguy cơ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được thực sự giải quyết triệt để.
Với ông Trump, nhận lời từ ông Kim đồng nghĩa với việc đảo ngược toàn bộ chuỗi các lời đe dọa, chỉ trích mà Washington đưa ra trước đó, mặc dù những điều này được ông tin rằng đã khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Thế nhưng, khi hai bên đã ngồi vào bàn tròn, vị chủ nhân Nhà Trắng sẽ phải học cách kiềm chế hết mức có thể chứ không thể “thoải mái” như trước.
Ông Trump sẽ không còn có thể gọi vị lãnh đạo tối cao của Triều Tiên là “little Rocket Man” (Người tên lửa bé nhỏ) như ông đã từng làm trong cuộc gặp của Đại Hội đồng LHQ hồi tháng 9 năm ngoái. Những lời đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” của quá khứ giờ cũng phải tạm gác lại nhằm đảm bảo một cuộc đối thoại thượng đỉnh diễn ra trơn tru.
Lá thư từ ông Kim mang đến một đề nghị rất đơn giản: ngừng thử hạt nhân và tên lửa đổi lấy một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vốn có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 5. Rõ ràng, đề nghị gặp gỡ “càng sớm càng tốt” cho thấy sự cấp thiết mà ông Kim đang cảm thấy. Dường như, đây là phương thức để Triều Tiên “chia tách” Mỹ ra khỏi Hàn Quốc và những đồng minh khác để trong trường hợp tiến trình hòa bình đổ vỡ, Washington – chứ không phải Bình Nhưỡng – mới là người phải chịu trách nhiệm. Nếu trong tương lai, viễn cảnh thật sự là như vậy, các lệnh trừng phạt mới sẽ khó có thể diễn ra do nước Mỹ đã mất trọng lượng trong lời nói của chính mình.
Tuy nhiên, một khả năng nữa có thể xảy ra là Triều Tiên đang muốn “mua” thêm thời gian. Có thể, ông Kim tự tin rằng, ông đã có những gì mà mình cần: một tên lửa hoạt động được và đầu đạn hạt nhân. Với Bình Nhưỡng, điều cần làm tiếp theo là sản xuất để tạo kho vũ khí hạt nhân, đem lại lợi thế đàm phán lớn hơn nhiều so với hiện tại.
Thế nhưng, với ông Kim Jong-un, điều quan trọng nhất vẫn là chứng minh ông – nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên – đang ngang hàng với một Tổng thống Mỹ. Một cuộc gặp thượng đỉnh song phương chính là cách tốt nhất để thể hiện điều đó.
Cho dù mục đích của Triều Tiên có là gì, đây vẫn sẽ là một khoảnh khắc lịch sử đặc biệt. Có lẽ, Bình Nhưỡng đã khéo léo đánh vào mong muốn tạo ra một di sản cho riêng mình của Tổng thống Trump. Từ sau Chiến tranh Triều Tiên, chưa một Tổng thống Mỹ nào gặp gỡ nguyên thủ Triều Tiên và hiện nay, ông Trump sắp trở thành vị Tổng thống đầu tiên làm được việc này.
Tuy nhiên, dù ông Kim có muốn đối thoại như thế nào và ông Trump muốn tạo dựng di sản của riêng mình ra sao, cuộc gặp thượng đỉnh gần như chắc chắn sẽ không thể ngay lập tức dẫn đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mọi thứ đều phải đi từng bước một, chắn chắn và an toàn. Nên nhớ rằng, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, các nhà ngoại giao cap cấp của Mỹ và Liên Xô cũng phải mất tới hơn 2 năm đàm phán qua lại để Tổng thống Ronald Reagan và Tổng bí thư Mikhail Gorbachev gặp được nhau. Một cuộc gặp được bố trí, chuẩn bị kỳ công như vậy cũng mới chỉ để cân nhắc một hiệp ước kiểm soát vũ khí chứ chưa thể chạm tới vấn đề giải giáp hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của cả hai bên – đề nghị được đưa ra bởi ông Gorbachev và ông Reagan từ chối
Do đó, một cuộc gặp vào tháng 5 sẽ cần phải được chuẩn bị kỹ càng, đồng thời cần sự thiện chí và kiềm chế của tất cả các bên. Đây sẽ là phép thử đầu tiên và cũng có thể là quan trọng nhất từ trước đến giờ mà Tổng thống Donald Trump phải vượt qua bằng mọi giá.